Để phát triển công nghiệp bán dẫn, quan trọng nhất cần thiết kế, sản xuất các con chip đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các hệ thống điện tử trong nước.
Với độ phức tạp cao, ngành công nghiệp bán dẫn được xem là cốt lõi của các ngành quan trọng khác. Với giá trị chiến lược, ngành bán dẫn được xác định giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế số. Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử.
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành bán dẫn, thời gian qua cũng ghi nhận nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ chủ động đầu tư nguồn lực phát triển các sản phẩm bán dẫn “made in Vietnam” và chuỗi giá trị trong nước.
Tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó ban Công nghệ bán dẫn của tập đoàn Viettel – đơn vị đã thiết kế thành công chip 5G DFE phức tạp nhất trong ASEAN cho biết, con chip xử lý tín hiệu vô tuyến trạm 5G với khả năng xử lý 1.000 tỷ phép tính mỗi giây là thành phần không thể thiếu trong hàng trăm triệu các trạm thu phát mà thế giới cần để triển khai mạng viễn thông thế hệ mới.
Chế tạo một con chip bán dẫn cần từ 4 tháng đến 6 tháng, thời gian không phải là dài nhưng phải trải qua hơn 500 bước riêng biệt, từ thiết kế đến sản xuất và kiểm định; các linh kiện di chuyển trung bình 70 lần qua các quốc gia trước khi đến tay người dùng cuối. Để thành công trong sản xuất chíp, đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới chia sẻ tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 đều nhấn mạnh đến việc đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D), con người, thiết bị càng sớm càng tốt. Nếu không sẽ khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất của thị trường trong thời gian ngắn.
Đại diện lãnh đạo ban Công nghệ bán dẫn của Viettel chia sẻ: “Công nghiệp bán dẫn là một ngành khó, đòi hỏi tri thức sâu về các lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Các lĩnh vực này cũng là những nhiệm vụ lớn mà Viettel đã đặt ra trong suốt quá trình phát triển nên tập đoàn có đủ nền tảng để đi vào công nghiệp bán dẫn”.
Ngoài ra, 2 chìa khoá quan trọng khác cần được thực hiện song song là mở rộng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn để đáp ứng được nhanh hơn các nhu cầu về nghiên cứu, thiết kế chip và phát triển nguồn nhân lực.
Đây là ngành công nghiệp mới, nhân lực toàn cầu nói chung và Việt Nam đều khan hiếm. Nếu không chủ động đào tạo nhân lực, doanh nghiệp khó sản xuất, cung ứng và phát triển sản phẩm. Do đó, bộ phận bán dẫn đã phối hợp cùng một số cơ sở đào tạo, đối tác nước ngoài thiết kế chương trình đào tạo mới, đào tạo cập nhật kỹ năng cho các kỹ sư với mục tiêu đến 2030 có 1.000 kỹ sư bán dẫn (700 nhân sự khâu thiết kế, 300 nhân sự khâu sản xuất).
Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Nguyễn Đình Chiến cho biết thêm: Đây là chặng đường dài và cũng là bài toán khó, cần có lộ trình tiếp cận hợp lý, vững chắc cả về nghiên cứu cơ bản và kinh doanh. Để phát triển công nghiệp bán dẫn, cần thiết kế, sản xuất các con chip đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, các hệ thống điện tử trong nước, nhu cầu an ninh quốc gia. Đây là nền tảng để phát triển các công nghệ chip tiên tiến, thế hệ mới, mở rộng cung cấp ra nước ngoài.
Với các công nghệ đã làm chủ, sau chip 5G DFE Viettel tiếp tục phát triển các con chip phức tạp hơn, bao gồm chip xử lý băng gốc (baseband) – con chip phức tạp nhất trong hệ sinh thái thiết bị viễn thông 5G và chip xử lý AI tại biên với kích thước nhỏ, hiệu năng cao và tiết kiệm năng lượng để có thể tích hợp trên điện thoại, laptop.
Theo lãnh đạo tập đoàn, những con chip này có độ khó cao, phục vụ cho thị trường lớn nhưng hai điều kiện này đảm bảo cho việc phát triển công nghệ cũng như hiệu quả kinh doanh.