Chuyển tới nội dung

Không để người bệnh hưởng BHYT phải mua thuốc bên ngoài

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp Sở Y tế đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT).

Thời gian qua, tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh, nhất là thiếu các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, thuốc biệt dược, vật tư tiêu hao xảy ra ở nhiều bệnh viện.

Cụ thể, một bệnh nhân ở Hà Nội phản ánh, bị đau dạ dày, đại tràng, được bác sỹ kê đơn nhưng đã 5 lần ra Bệnh viện Bạch Mai không mua được loại thuốc này, tìm kiếm tại các nhà thuốc bệnh viện khác và trên thị trường cũng không có.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Từ giữa tháng 5/2022, Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang đã thiếu trầm trọng các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiểu đường, huyết áp, viêm gan, thuốc điều trị ung thư, thuốc an thần, điều trị dạ dày…Các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế, trạm y tế xã trên địa bàn cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

thieu-thuoc-1-1655291037758348206056

BHXH Việt Nam đề nghị không để người bệnh hưởng BHYT phải mua thuốc bên ngoài.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, tham gia có hiệu quả vào quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các Hội đồng đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều trị.

Cùng với đó, phối hợp Sở Y tế chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn có ngay các giải pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh.

Bảo hiểm xã hội các địa phương chủ động đề nghị Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá khi chưa có kết quả đấu thầu.

Đấu thầu, mua sắm kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị đối với các thuốc nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 của các thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo phân cấp của Bộ Y tế.

Ngoài ra, cần theo dõi, đôn đốc việc mua sắm thuốc đảm bảo các cơ sở thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết đối với thuốc đấu thầu tập trung theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Đối với việc đấu thầu mua sắm và cung ứng vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các đơn vị rà soát kết quả đấu thầu, số lượng vật tự y tế còn tồn và thời gian dự kiến sử dụng hết tại cơ sở khám chữa bệnh, thời gian dự kiến hoàn thành quy trình đấu thầu để xây dựng kế hoạch và thực hiện đấu thầu mua sắm, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh chủ động cung cấp thông tin về kết quả đấu thầu vật tư y tế tại các địa phương, đơn vị để các Hội đồng đấu thầu vật tư y tế trên địa bàn tham khảo, lựa chọn chủng loại và xây dựng giá kế hoạch phù hợp, đúng quy định của pháp luật đấu thầu.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, trước đó ngày 13/6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có Công văn số 1566 đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đấu thầu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác, phù hợp với Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn…; tuyệt đối không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Trước đó, phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra rằng “việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện cả công và tư.”

Theo ông, gần đây có vị bộ trưởng than phiền, muốn mua viên Zinat, một loại kháng sinh rất thông dụng mà không thể mua được ở các cửa hàng.

“Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào. Không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta đề cả một hệ thống tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết. Nếu các vị đại biểu Quốc hội có thời gian thăm các bệnh viện địa phương mình sẽ thấy tình hình có thể coi là nguy hiểm này. Rất nhiều nhân viên y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội, các cử tri, người bệnh đã gửi gắm cho tôi nỗi lòng của mình về những khó khăn hiện nay, trong tương lai của hệ thống y tế Việt Nam,” ông nói.

Minh Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved