Chuyển tới nội dung

Không để cái tên “xóm lò rèn” mất đi

Làng nghề Mai Hồng (xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) từ lâu đã nổi tiếng với nghề rèn, đúc truyền thống. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, biến động nhưng đến nay làng nghề vẫn được duy trì, phát triển và ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nghề đúc rèn Mai Hồng được hiện đại hóa với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại.

Làng nghề thu hút trên 57.000 lao động

Tỉnh Quảng Bình hiện có 28 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với trên 29.770 cơ sở sản xuất, thu hút trên 57.610 lao động tham gia. Các làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất ổn định đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Không còn ai nhớ chắc chắn nghề rèn của làng này có từ bao giờ, nhưng nó đã nổi tiếng từ khá lâu với cái tên “xóm lò rèn” hay là “làng Mai Hồng”. Từ những năm giữa thế kỷ 20, nghề rèn đúc ở đây đã được xây dựng và phát triển với loại hình sản xuất kinh doanh hợp tác xã là HTX Mai Hồng.

HTX Mai Hồng với tổng số vốn đầu tư 459 triệu đồng, gồm hơn 50 hội viên sản xuất với mô hình vừa tập trung, vừa phân tán. Ban đầu HTX chỉ sản xuất, gia công các loại: dao, rựa, lưỡi liềm, lưỡi cuốc, lưỡi cày để phục vụ người dân trong vùng. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2003, HTX Mai Hồng đã có sự chuyển hướng, tập trung phát triển mô hình sản xuất kinh tế hộ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình tự quản lý về doanh thu, lợi nhuận. Nhờ đó các hộ gia đình trong làng nghề đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường. Với việc đa dạng hóa, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nên làng nghề rèn đúc truyền thống Mai Hồng vẫn được duy trì và ngày càng phát triển.

Đặc biệt, bằng những tinh hoa từ nhiều đời cùng với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nên các sản phẩm rèn đúc truyền thống của Làng nghề Mai Hồng luôn bảo đảm được chất lượng, độ chính xác cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Với khoảng 80% sản phẩm phục vụ ngư nghiệp và 20% phục vụ nông nghiệp, gia dụng, sản phẩm của làng nghề không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà đã vươn ra các tỉnh, thành khác trên khắp cả nước từ Quảng Ninh, Hải Phòng cho đến Phú Yên, Khánh Hòa.

HTX Mai Hồng đã trở thành cầu nối quan trọng đưa các loại sản phẩm thủ công đến thị trường tiêu thụ một cách có hiệu quả. Ngoài ra, HTX còn thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hóa việc làm. Do đó, từ cái nôi là HTX Mai Hồng, nghề rèn đúc có điều kiện duy trì và phát triển, cung cấp các mặt hàng thủ công cho hầu hết các xã khác trong huyện cũng như ngoài huyện, đảm bảm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo công việc cho người lao động trong làng

80% sản phẩm làng nghề ở Mai Hồng phục vụ ngư nghiệp, 20% phục vụ nông nghiệp và đồ gia dụng.

Lấy kinh tế hộ làm đòn bẩy

Cùng với xu hướng phát triển của kinh tế thị trường, nghề rèn ở Làng nghề Mai Hồng chuyển đổi sang mô hình kinh tế hộ, chuyên môn hóa các loại sản phẩm rèn đúc, cơ khí và mang tính tự chủ cao. Không hình thành loại hình sản xuất giao khoán sản phẩm và hưởng lương như trước đây, các tổ chức nghề nghiệp trong HTX hoạt động trong đơn vị gia đình, tự chủ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ…

Theo ông Châu Minh Vững (thôn 8, xã Đồng Trạch) cho biết, làng nghề Mai Hồng vốn chuyên nghề rèn đúc. Trước đây, có 100% người dân theo nghề truyền thống, nhưng hiện chỉ còn khoảng 45%, số khác đã chuyển sang các ngành nghề dịch vụ. Dù vậy, làng nghề vẫn có thương hiệu và tiếng tăm riêng.

Quy mô sản xuất thu gọn và đặc biệt là các hộ dân đã cải tiến máy móc, dùng các sản phẩm inox để thay thế cho các vật liệu bằng gang, sắt… Nên các nguy cơ ô nhiễm môi trường ở làng nghề trước đây, như: Tiếng ồn, khói bụi… đã được hạn chế nhiều.

Từ khi tách riêng sản xuất độc lập, mỗi hộ gia đình trong làng nghề đã mạnh dạn hơn trong đầu tư, tận dụng mọi lao động trong gia đình, mở rộng sản xuất và chủ động tìm kiếm thị trường. Do đó, hiện nay, hầu hết các nghề cơ khí nói chung và rèn đúc nói riêng ngày càng phát triển, trở thành nghề chính, mang lại thu nhập cao, giúp người dân vươn lên làm giàu cũng như có điều kiện phát triển hơn nữa nghề truyền thống của địa phương mình.

Đến nay, làng nghề Mai Hồng đã mạnh dạn áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hoá nghề rèn truyền thống để tăng năng suất lao động. Nhiều hộ đã tự trang bị máy cán thép, máy mài, máy đột dập, máy búa, cắt… đồng thời linh động mở rộng sang nhiều ngành cơ khí khác như làm các loại cửa sắt, cửa nhôm; ga-ra ô tô; rèn các phụ tùng phục vụ ngành công nghiệp; hoặc gò, hàn, phay, tiện… đưa nghề rèn truyền thống phát triển ổn định và có quy mô lớn, dần tạo dựng cho thương hiệu đứng vững trong cơ chế thị trường.

HTX Mai Hồng có 30 hộ chuyên sản xuất các sản phẩm rèn đúc, cơ khí với quy mô lớn và hơn 20 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng rèn quy mô nhỏ, giải quyết công ăn việc làm cho gần 200 lao động trong thôn. Trừ chi phí, thu nhập bình quân trên một người đạt 8 triệu đồng/tháng.

Với vị trí gần quốc lộ 1A, cùng với sự năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm rèn đúc và cơ khí… là lợi thế để các sản phẩm rèn, cơ khí ở đây có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Không chỉ trên thị trường trong tỉnh mà còn có mặt từ Vinh đến Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh…. Ở thị trường nào cũng được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy phải đối mặt với hàng ngoại nhập lậu giá rẻ, người dân làng Mai Hồng vẫn giữ nghề rèn của ông cha để lại. Ông Phạm Văn Hoan – Chủ tịch UBND xã Đồng Trạch cho biết, nghề rèn của làng Mai Hồng là nghề gia truyền, nó đã gắn bó từ lâu với người dân ở đây. Hầu hết các hộ trong thôn, đặc biệt khu vực ở gần cầu Lý Hòa đều dựa vào nghề rèn để sống. Từ khi nhận được bằng công nhận làng nghề rèn đúc truyền thống của UBND tỉnh vào năm 2008 chúng tôi càng cố gắng để duy trì và phát triển nghề rèn ra diện rộng, góp phần đắc lực trong việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương và không thể để cái tên “xóm lò rèn” mất đi.

Có thể nói, sự phát triển sản xuất ở các hộ gia đình của Làng nghề Mai Hồng là một hướng đi phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, mang lại hiệu quả cao, nó đã góp phần tích cực trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, làm thay đổi diện mạo của một miền quê, mở ra một triển vọng mới về sản xuất cũng như giữ gìn và phát triển bền vững làng nghề rèn đúc truyền thống, đưa làng Mai Hồng trở thành một điểm sáng kinh tế bên dòng sông Lý Hòa.

HTX Mai Hồng có 30 hộ chuyên sản xuất các sản phẩm rèn đúc, cơ khí với quy mô lớn và hơn 20 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng rèn quy mô nhỏ, giải quyết công ăn việc làm cho gần 200 lao động trong thôn. Trừ chi phí, thu nhập bình quân trên một người đạt 8 triệu đồng/tháng.

Bảo Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved