Điều này đã giúp doanh số bán hàng của dòng Classic lớn hơn cả New Coke và Pepsi. Với chúng ta, có lẽ ai cũng sẽ tự hỏi rằng: Liệu tất cả sự hỗn loạn này có phải là một kế hoạch tiếp thị tuyệt vời của Coca-Cola?

Đương đầu đối thủ sừng sỏ

Trong suốt những năm 1980, Coca-Cola chiếm ưu thế một cách tuyệt đối, nhưng đối mặt với một kẻ thách thức chuẩn bị trỗi dậy- Pepsi.

Với sự khát khao tăng trưởng, quảng cáo của Pepsi nhấn mạnh vào hương vị tuyệt hảo, nhưng bằng cách nào?
Hãy tưởng tượng đó là một ngày nắng đẹp của thập niên 80. Bạn đang ở trung tâm mua sắm. Một cô gái trẻ với mái tóc nâu và bộ trang phục màu vàng tiến lại gần bạn.

Với một nụ cười rạng rỡ, cô ấy đề nghị bạn làm một bài kiểm tra vui nhộn. Hãy cho tôi biết ly Cola nào ngon hơn, nhưng không được nhìn- Chúng tôi sẽ quay phim bạn! Vui mừng vì có thể xuất hiện trên TV, bạn nhấp một ngụm từ mỗi cốc nhỏ. Người phụ nữ trẻ vẫn mỉm cười yêu cầu bạn chỉ vào chiếc cốc mà bạn yêu thích hơn.

Và kết quả là: “Người tiêu dùng trên toàn quốc thích vị của Pepsi hơn Coca-Cola”- đó là lời khẳng định của Pepsi trong tất cả các quảng cáo của họ.

Cảm thấy ‘nóng mặt’, Coca-Cola tiến hành đáp trả bằng cách nhìn lại công thức của mình.

coca-vs-pepsi

Coca-Cola và Pepsi luôn cạnh tranh không ngừng nghỉ, từ nhà hàng, siêu thị, sân vận động cho đến các vùng lãnh thổ.

Hương vị mới tốt hơn?

Sau khi tiến hành các cuộc thử nghiệm hương vị với 200.000 người tiêu dùng, Coca-Cola tin rằng họ đã có một công thức mới ngon hơn so với Pepsi. Tuy nhiên, họ không ra mắt công thức mới, mà thay thế vĩnh viễn công thức cũ từ ngày 23/4/1985.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Coca-Cola, Roberto Goizueta, đã tuyên bố với báo giới rằng công thức của New Coke (tên gọi sản phẩm Coca-Cola mới) “mượt mà hơn, tròn vị hơn và đậm đà hơn – một hương vị hài hòa”. Và ông đã không sai. Doanh số bán hàng tăng trong một thời gian sau đó, cho thấy người tiêu dùng yêu thích hương vị mới- bao gồm cả những người nổi tiếng. Nhưng đó là trước khi cơn “thịnh nộ” của công chúng- những người “luyến tiếc” hương vị cũ – nhấn chìm Goizueta và công ty của ông.

Sau 79 ngày, Coca-Cola mới có phản ứng đầu tiên. Vào tháng 7 cùng năm, CEO Roberto Goizueta thông báo về sự trở lại của hương vị cũ. Họ gọi tên nó là Coca-Cola Classic. Vào cuối năm 1985, doanh số bán hàng của dòng Classic thậm chí còn lớn hơn cả New Coke và Pepsi. Tuyệt vời hơn nữa, 6 tháng sau, doanh số bán hàng của Coca-Cola đã tăng gấp đôi tốc độ của Pepsi. Tại sao lại như vậy?

Giống như khi bạn nhớ người yêu cũ sau khi chia tay, mọi người cảm thấy nhớ hương vị ban đầu cũng như tình cảm sâu sắc mà họ dành cho nó. Họ sẵn sàng quay lại với tình yêu ban đầu, và điều này đã vực dậy dòng tiền của Coca-Cola – một kết thúc có hậu.

Bài học từ Coca-Cola

New Coke không phải là một kế hoạch được tính trước, cũng không phải là một sáng chế mang tính thiên tài. Đó là một sai lầm, nhưng cũng là một điều may mắn. Sau tất cả những gì đã xảy ra, liệu chúng ta đã nhìn nhận đúng về chiến lược xung quanh New Coke, hay nói đúng hơn chúng ta có đang đánh giá thấp vị CEO của Coca-Cola?

Roberto Goizueta là một CEO tài ba- điều này không ai phủ nhận. Ông đủ dũng cảm để chấp nhận rủi ro mà chưa ai từng thử trong một thế kỷ, và đủ thông minh để thoát ra vào đúng thời điểm. Ý tưởng tiếp thị của ông thực sự là một sai lầm, nhưng ông đã gặp may.

Dù thế nào, câu chuyện này vẫn cho ta những bài học quý giá: Thứ nhất, làm hài lòng khách hàng không phải lúc nào cũng là lựa chọn hợp lý: New Coke ngon hơn nhưng giá trị cảm xúc của công thức Classic lại mạnh mẽ hơn. Thứ hai, bắt chước đối thủ có thể phản tác dụng: Coca-Cola đã làm rất tốt với hương vị ban đầu của họ. Việc đặt cược vào một công thức tốt hơn để đánh bại Pepsi gần như đã hủy hoại thành công của họ. Hãy sống thật với chính mình. Thứ ba, bạn luôn có thể lùi một bước sau khi mắc sai lầm- thất bại sẽ là thất bại đúng nghĩa nếu bạn nỗ lực để xoay chuyển tình hình. Thứ tư, thực tế không diễn ra theo cách ta muốn: New Coke là một sai lầm, nhưng cuối cùng vẫn mang lại kết quả tốt, chứ không phải là một sáng kiến.

Thái Hiệp