chung-khoan-tuan-toi

Khối ngoại liên tục rút tiền ra khỏi các quỹ ETF.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại

Trong phiên giao dịch ngày 17/5, thị trường tiếp tục chứng kiến một đợt giảm điểm khi chỉ số VN-Index đã giảm 7,66 điểm,  xuống 1.258,70 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 2,07 điểm, lên 296,79 điểm. Đóng góp trong phiên giảm điểm hôm qua là 3 mã: VNM, MSN và VIC. Đây là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index ngày hôm qua, lấy đi lần lượt -1,28, -1,22 và -1,17 điểm.

Trong khi đó, VHM, NVL và HPG là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho chỉ số, đóng góp +3,21, +0,99 và +0,44 điểm. Giá trị giao dịch đạt 22.824,71 tỷ đồng trên sàn HSX và 4.324,64 tỷ đồng trên sàn HNX.

Về diễn biến nhóm ngành, chỉ 3 trên 11 nhóm ngành tăng điểm trong ngày hôm qua. Dẫn đầu là ngành Bất động sản (+0,72%) – được hỗ trợ bởi VHM (+3,70%), NVL (+2,61%) và SJS (+4,87%). Ở chiều ngược lại, Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu (-2,38%) là ngành có diễn biến tiêu cực nhất phiên, do sự giảm điểm của VNM (-2,57%), MSN (-3,61%) và GVR (-3,61%).

Nguyên nhân dẫn đến phiên điều chỉnh giảm điểm hôm qua của TTCK Việt Nam, được cho là có liên quan đến nhận định từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), cùng với đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư được dự báo ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế Việt Nam, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ.

Đáng chú ý nhất là xu thế rút tiền của khối ngoại. Theo thống kê của FiinTrade, trong tuần 9/5-14/5/2021, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam đã bị rút ròng 202,6 tỷ đồng.

Thậm chí cả 4 quỹ ETF nước ngoài mà FiinTrade theo dõi đều bị rút ròng trong tuần vừa qua với tổng lượng vốn lên đến 390,7 tỷ đồng.

186525571_524793968890539_2808739527241523723_n

185210043_524795785557024_833121159271084103_n

Xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn khi đẩy mạnh bán bluechip trên HoSE. Trong đó, VPB dẫn đầu bị bán ròng 3,84 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 242,59 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nhân tố tác động khiến VPB đảo chiều điều chỉnh sau những phiên khởi sắc liên tiếp trước đó.

Các mã bị bán ròng mạnh tiếp theo là VIC đạt 147,73 tỷ đồng, VNM đạt 145,9 tỷ đồng, HPG đạt 125,5 tỷ đồng, CTG đạt 81,78 tỷ đồng, MBB đạt hơn 70 tỷ đồng, MSN đạt 56,5 tỷ đồng, PLX đạt 52,65 tỷ đồng, VCB đạt 52,4 tỷ đồng, GAS đạt 46,38 tỷ đồng, STB đạt 30,85 tỷ đồng…

Còn trên HNX, khối ngoại đã bán ròng 934.000 đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 39,37 tỷ đồng, giảm 22,88% về lượng và 4,4% về giá trị so với phiên trước đó.

Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 17/5, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 30,85 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 1.280,17 tỷ đồng, giảm 18% về lượng và 24,22% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 14/5 (bán ròng 1.689,39 tỷ đồng).

Dòng vốn ngoại đã có một tuần bán ra theo cường độ tăng: Trung bình mỗi ngày khối này xả qua khớp lệnh lượng cổ phiếu trị giá 1.644 tỷ đồng, tương đương chiếm 8% sàn HOSE. Tổng giá trị bán ròng qua khớp lệnh 5 phiên của tuần lên tới 3.534,4 tỷ đồng, là mức kỷ lục kể từ tuần giữa tháng 3/2021. Nếu tính cả thỏa thuận, mức bán ròng lũy kế từ đầu tháng 5 với cổ phiếu sàn HOSE đã lên tới 6.568,3 tỷ đồng.

Cường độ bán ròng của khối ngoại gia tăng đột biến đã làm xói mòn hi vọng về sự bổ sung của dòng vốn ngoại qua các quỹ ETF sẽ giúp thay đổi sức ép trên thị trường. Sau nhiều tháng bán ròng liên miên, tháng 3, tháng 4 vừa qua đã bắt đầu xuất hiện các tuần mua ròng trở lại. Đó là nhờ dòng vốn ETF mới được thành lập hoặc hút thêm vốn giải ngân. Tháng 5 mới qua 2 tuần, dòng vốn rút ra đã lại vượt trội mua vào.

Nhận định thị trường

Theo ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích CTCK BVSC, giai đoạn hiện tại tương đối thiếu vắng các thông tin hỗ trợ cho thị trường nên nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo hướng giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trên trong vùng từ 1.200-1.220 điểm đến 1.275-1.285 điểm để tích lũy, tạo nền giá mới trong ngắn hạn.

Về chiến lược đầu tư, ông Trần Xuân Bách khuyến nghị, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 30-35% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung dài hạn. Nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua trading ngắn hạn khi chỉ số kiểm định vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm.

CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang và liên tục xuất hiện các nhịp tăng giảm trong các phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, chỉ số VN-Index đang giao dịch gần vùng kháng cự 1.283 – 1.300 điểm. Điểm tiêu cực ở giai đoạn hiện tại là dòng tiền vẫn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và độ rộng thị trường đang thu hẹp cho nên chiến lược phù hợp lúc này là nên chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý vẫn đang trong giai đoạn bi quan nên tỷ trọng cổ phiếu cần duy trì ở mức thấp.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các chuyên gia của Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (tỷ trọng cổ phiếu dưới 40%) khi rủi ro thị trường vẫn ở mức cao và có thể chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội ngắn hạn, đặc biệt các nhà đầu tư nên hạn chế mua ở các nhịp tăng mạnh.

“Theo đồ thị tuần, rủi ro trung hạn vẫn ở mức cao và dòng tiền vẫn có xu hướng suy yếu dần cho thấy xu hướng tăng trung hạn đang suy yếu. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn chỉ nên xem xét nắm giữ và không mua vào ở tuần giao dịch này”, các chuyên gia khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo CTCK KBSV, vùng đỉnh cũ quanh 1.280 điểm vẫn đang gây ra lực cản và  xung lực tăng điểm của chỉ số đang có phần giảm sút. VN-Index có thể đối mặt với rủi ro điều chỉnh mạnh hơn, xuống vùng hỗ trợ gần tại 123x trước khi hồi phục trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị khống chế tỷ trọng nắm giữ ở mức an toàn, trải chốt lời một phần đối với các mã tăng vượt đỉnh đạt kỳ vọng và chờ các phiên giảm mạnh trước khi mua trở lại vị thế ngắn hạn.