Dựa vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015 – 2030, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang hướng hoạt động của mình để đáp ứng một trong những mục tiêu trên.
Ai có năng lực nhất để giải quyết các vấn đề xã hội xét về đạo đức và năng lực? Một nghiên cứu từ Edelman Trust Barometer 2021 cho thấy đã có sự dịch chuyển từ chính phủ, tổ chức phi chính phủ, sang doanh nghiệp. Nếu trước đây doanh nghiệp không được đánh giá tốt về đạo đức, năng lực thì hiện tại doanh nghiệp được đề cao ở khả năng giải quyết các vấn đề xã hội để hướng tới phát triển bền vững.
Hướng đến giải quyết vấn đề xã hội
“Cô gái Bh.nong” được thai nghén trong những ngày đầu tháng 5.2016, khi cô nhà báo trẻ “bỏ phố về rừng” với hành trang mang theo là 2 cuốn sách của “Tony Buổi Sáng”. Bỏ lại sau lưng những hào quang nơi phố thị, ham muốn tột bậc của “Cô gái Bh.nong” là xây dựng nhà máy; thu mua nông sản giúp nông dân; tạo việc làm cho bà con dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo… Để trên chính quê hương mình, ai ai cũng có cơm no, áo ấm; không ai phải tha hương cầu thực, bươn bả nơi xứ người.
Bắt đầu từ việc chẻ củi, nhóm bếp, rang từng mẻ gạo lứt bên chái bếp quê nghèo, đến nay Bh.nong đã xây dựng nhà máy sản xuất đạt chuẩn ISO 22000:2018, HACCP, VSATTP… Bh.nong mong muốn nâng tầm nông sản – đặc sản, đặc biệt là hạt gạo lứt rẫy quý giá của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam vươn xa khắp nơi và khắp thế giới.
Ngay khi thành lập, Võ Thị Minh Nga – CEO của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Phương Nga đã xác định hướng đi trở thành doanh nghiệp xã hội, mang giá trị tinh thần, phấn đấu đưa thương hiệu Bh.nong nổi tiếng về các sản phẩm gạo lứt, có thể xuất khẩu…
Hai cách tiếp cận
Theo bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, đồng sáng lập cũng là CEO của KisStartup và KisImpact, huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: “Trong doanh nghiệp tạo tác động xã hội cần đặt mục tiêu hướng đến những tác động tích cực, cân nhắc cả tác động tiêu cực, có chủ đích không chủ đích hoặc có thể khắc phục được hay không”?
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang có 2 cách tiếp cận với khởi nghiệp tạo tác động xã hội, gồm tác động môi trường và tác động xã hội. Cách thứ nhất, Doanh nghiệp khởi nghiệp mà hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức.
Cách thứ hai, là những nhóm khởi nghiệp sử dụng công nghệ trong sáng tạo các giá trị mới, tạo các tác động tích cực và bền vững, đo lường được, với môi trường và xã hội song song với các giá trị về tài chính. Đây là những nhóm nhận vốn đầu tư tác động nên thay vì được gọi là impact enterprises, họ thường được gọi là impact startup (để nhấn mạnh vào khả năng nhân rộng mô hình và tiếp nhận vốn đầu tư để nhân rộng và có yếu tố đổi mới sáng tạo trong công nghệ).
Cũng theo bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, tính bền vững trong khởi nghiệp tạo tác động được thể hiện ở một mô hình kinh doanh thực sự (có khách hàng, có thị trường, có doanh thu); có chiến lược tạo ra những tác động tích cực/ thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững; có kết quả đo lường được cho các thực hành bền vững/ Mục tiêu tác động mà doanh nghiệp lựa chọn.
Thanh Hương