Sau công nghệ y tế (medtech) và công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech) đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, nhiều thương vụ đầu tư lớn trong lĩnh vực này đã được thực hiện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư vào Edtech đã vượt qua con số 30 triệu USD của cả năm 2022.

Tiềm năng thị trường lớn

Thị trường Edtech của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển rất sôi động. Báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam ghi nhận nước ta hiện nằm trong top 10 thị trường Edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới, ở mức khoảng 44,3%. Còn Ken Research nhận định, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam có thể chạm mốc 3 tỷ USD vào năm 2023.

Với số lượng học sinh chiếm 20% dân số, Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà đầu tư Edtech

Hiện đang có khoảng 70 quỹ đầu tư đã rót hơn 400 triệu USD cho startup Edtech Việt Nam. Bà Đào Lan Hương – CEO Học viện công nghệ Teky, startup vừa huy động thành công 5 triệu USD, khoản đầu tư lớn nhất series A tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục cho biết: sự hấp dẫn cho thị trường Edtech Việt Nam trước hết đến từ quy mô dân số lớn và đang giai đoạn dân số vàng. Trong đó mức độ chi trả cho giáo dục ở mức cao so với thế giới: từ ngân sách nhà nước chi 15%; từ các hộ gia đình là 38%.

Thứ hai, sau dịch COVID – 19 tất cả rào cản cho hoạt động phát triển Edtech ở Việt Nam như hạ tầng công nghệ, định hướng phát triển, chiến lược chuyển đổi số lại trở thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển Edtech. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thị trường này từ năm 2018 đến nay đạt 20,2%, cũng thuộc loại cao trên thế giới.

Cũng theo bà Đào Lan Hương, hiện các sản phẩm Edtech tại Việt Nam đã phong phú nhưng chưa có “ông lớn” nên có thể xem đây là thị trường “đại dương xanh”. Đứng dưới góc độ của một nhà đầu tư, nhìn thị trường nhiều tiềm năng như vậy, định giá các Edtech của Việt Nam trong giai đoạn này là sớm và mức định giá hấp dẫn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiển – Chủ tịch Edtech Agency đồng Trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfesh Việt Nam nhấn mạnh: dịch COVID -19 đi qua đã vô tình marketing toàn bộ thị trường Edtech, tạo ra cú hích về mặt truyền thông giúp cho Edtech được rất nhiều người dân biết đến và quan tâm.

Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa hình thức đào tạo trực tuyến tới 90% trường đại học và 80% trường trung học phổ thông và cơ sở dạy nghề. Chiến lược này không chỉ giúp Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hơn đối với nhu cầu trong tương lai, nhất là đào tạo các kỹ năng số mà còn thúc đẩy hơn nữa các startup, quỹ đầu tư và các tổ chức liên quan phát triển thị trường Edtech.

Hoá giải thách thức để nắm bắt tốt cơ hội

Ông Nguyễn Trí Hiển đánh giá thêm: hiện nay, thị trường Edtech đang bước vào giai đoạn sàng lọc thị trường. Xu hướng thị trường tập trung chủ yếu vào sản phẩm dành cho học sinh phổ thông chiếm tới hơn 20% dân số và ngoại ngữ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Hiển, trước sự phát triển của AI và các sự kiện quốc tế tác động, thị trường Việt Nam đang có xu hướng nổi bật mà các Edtech đang hướng tới là cá nhân hoá học tập hoặc xu hướng liên quan đến AI, xu hướng đưa trải nghiệm học tập gần gũi với người học hơn nhằm tạo nên môi trường học tập mới với những nội dung học tập thú vị.

Xu hướng này cho phép người học tiếp cận những người thầy tốt nhất, có thể học tập mọi nơi mọi lúc. Đặc biệt, mỗi người học được “may đo” con đường học tập riêng của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, xã hội và phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân. Điều này AI và công nghệ mới có khả năng thực hiện rất tốt trong khi trước đây, việc giảng dạy truyền thống khó có thể thực hiện được.

Sự phát triển của công nghệ, nhất là công nghệ AI tạo bước phát triển mạnh mẽ cho Edtech tại Việt Nam

Trên cơ sở tổng hợp và phân tích dữ liệu của người học, các Edtech có thể đưa ra những khuyến nghị, định hướng học tập phù hợp cho từng người cũng như phát triển các giải pháp công nghệ kèm theo để khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh, gia tăng giá trị cho cá nhân.

Bên cạnh những cơ hội thúc đẩy sự phát triển giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục, các Edtech tại Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Về phía người học, đó là khả năng thích nghi với ứng dụng công nghệ bởi vẫn còn khá nhiều học sinh hiện vẫn yếu trong tính tự giác và chủ động trong kế hoạch học tập. Không phải học sinh nào cũng sẵn sàng cho lộ trình học tập cá nhân hoá, độc lập trong việc sử dụng ứng dụng công nghệ.

Thứ nữa, quảng cáo trực tuyến ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Dù sẵn sàng chi trả nhưng dòng tiền từ học tập offline sang online vẫn hạn chế. Đặc biệt, chưa có giải pháp công nhận bằng cấp cho học online nên dù công nghệ edtech có hiện đại đến mấy vẫn giải quyết bài toán offline.

Từ thực tế trên, bà Đào Lan Hương cho rằng, ngoài giá trị mà Edtech mang lại thì việc đưa công nghệ cần giáo dục thì việc hỗ trợ và hướng dẫn người dùng rất quan trọng. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cần thiết là bồi dưỡng, đào tạo công nghệ cho những người làm công tác giáo dục; sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành liên quan để các yếu tố nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy Edtech tốt hơn nữa như chính sách, công nghệ…

Hạnh Lê