Chuyển tới nội dung

Khó khăn bủa vây người trồng tiêu

Hiện nay, giá tiêu trên thị trường dao động ở mức 38.000 – 40.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp trong vài năm trở lại đây. Đắk Nông là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, nay nông dân lại rơi vào cảnh vô cùng khó khăn khi cây hồ tiêu vừa mất mùa lại mất giá và cây tiêu đang chết hàng loạt, khiến nhiều nông dân ở Đắk Nông chồng chất khó khăn.

Ông Huỳnh Văn Tín, thôn Tân Lợi, xã Đắk R’Moan, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông bên vườn tiêu đang chết dần vì sâu bệnh.

 

Hồ tiêu chết, mất giá nông dân nợ chồng chất

Đắk Song là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông, với hơn 15.000ha, chiếm phần lớn diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Theo thống kê, đến nay có khoảng 1.800ha hồ tiêu ở đây đã bị nhiễm các loại bệnh, trong đó hơn 200ha đã chết hoàn toàn.

Ông Huỳnh Văn Tín, thôn Tân Lợi, xã Đắk R’Moan, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết: Ông rất lo lắng vì vườn hồ tiêu đang lụi tàn mà không còn cách cứu chữa, giá thì quá thấp, thu không đủ chi. Trước đây, gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều tiền để chăm sóc vườn hồ tiêu hơn 3ha. Những mùa thu hoạch gần đây, hàng nghìn trụ tiêu đã vàng lá rồi chết hàng loạt tương đương 50% cây chết hoặc bệnh nặng. Không còn cách cứu vãn, gia đình tôi cố gắng duy trì một ít, số còn lại đành phá bỏ để chuyển sang trồng bơ, sầu riêng, cà phê….

Các hộ trồng nhiều tiêu nơi đây nếu trước đây trồng với diện tích lớn khi thu hoạch giá tiêu cao, đa số đều có thu nhập tiền tỷ giờ trở thành con nợ lớn so với các hộ trồng nhỏ lẻ. Do trước đây, hồ tiêu được giá, nông dân đua nhau trồng, mở rộng diện tích, để có vốn đầu tư, phần lớn bà con phải đi vay từ ngân hàng. Đến khi hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì rớt giá thê thảm, những vườn tiêu tốt thì khoán cho người hái tiêu 50% sản lượng thu hoạch, vườn không tốt thì không thu hoạch vì không ai nhận hái, hoặc công hái quá cao gây lỗ nặng… Mất giá, tiêu chết hàng loạt, khiến nông dân vay mượn khắp nơi, nợ nần chồng chất khi bán tiêu không đủ trả lãi vay…nhiều hộ dân nơi đây phải bỏ nhà ra đi – ông Tín cho hay.

Ông Lê Khắc Sáu, thôn Tân Lợi, xã Đắk R’Moan, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông chia sẻ: Chưa bao giờ tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt như hiện nay. Mặc dù ngành chức năng và nông dân đã tìm cách tháo gỡ nhưng nhiều hộ đã trắng tay, nợ nần chồng chất. Khi hồ tiêu có giá, nông dân tìm cách vay vốn ngân hàng không những trong tỉnh mà còn vay các ngân hàng ngoài tỉnh, mở rộng diện tích, không chú trọng chất lượng giống và quy trình canh tác. Đến nay, hồ tiêu rớt giá, không còn khả năng đầu tư chăm sóc, dịch bệnh tấn công, hồ tiêu chết hàng loạt, giá vật tư nông nghiệp như: Phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, vi sinh…quá cao dẫn đến nợ nần, phá sản, gây kiệt quệ cho người trồng tiêu. Chúng tôi mong sẽ sớm có những chính sách hỗ trợ cấp bách cho bà con nông dân có diện tích trồng tiêu bị chết và hỗ trợ cho chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm sao đảm bảo đời sống, vượt qua khó khăn hiện nay.

Một trong những vườn tiêu tại tỉnh Đắk Nông đang bị nhiễm sâu bệnh.

 

Không theo khuyến nông, trồng tràn lan

Ông Tín cho biết: Do không theo định hướng về khuyến nông của tỉnh, tiêu trồng tràn lan nên giờ bà con nông dân không biết phải làm sao khi phải đối diện với tình trạng mất mùa, mất giá như hiện nay. Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, của tỉnh về vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông sản cho phù hợp với tình hình thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.

Theo ông Lê Đình Thắng – Chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan: Cây tiêu và cây cà phê là cây chủ lực của địa phương. Ở những gia đình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sâu bệnh gần như được hạn chế. Nhưng hầu hết diện tích hồ tiêu của Đắk Nông và các tỉnh khác đang thu hoạch hiện nay, chủ yếu theo cách canh tác cũ, nguy cơ bệnh tật rất lớn, giống thì được mua trôi nổi, nông dân cứ mua rồi về trồng dẫn tới bệnh lây lan càng nhiều hơn. Giá tiêu trên thị trường luôn biến động, nên nông dân cần phải duy trì và tích cực tham gia vào hợp tác xã để hình thành liên kết chuỗi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Một số hợp tác xã đạt được tiêu chuẩn tiêu sạch xuất khẩu, nên giá thành thu cao hơn giá thị trường, nhưng không nhiều, chưa giải quyết được bài toán khó mất mùa, mất giá.

Ông Hồ Gấm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết: Quy hoạch của tỉnh là trồng 12 ngàn hecta tiêu, nhưng diện tích trồng tiêu tại tỉnh hiện nay khoảng 40 ngàn hecta, lại trồng ở những nơi không phù hợp, không có nước, dễ phát sinh sâu bệnh. Hiện nay, giá tiêu khoảng 38.000đồng/kg trong khi giá hòa vốn khoảng 50.000đồng/kg, công hái tiêu lại khá cao hơn 300.000đồng/ngày. Do giá tiêu trước đây khá cao hơn 200.000đồng/kg, nên nông dân kéo nhau trồng mà không theo sự khuyến cáo của nhà nước dẫn đến thực trạng hiện nay. Ngân hàng cho vay với giá trị cao tương đương 1 tỷ đồng/ha, do giá tiêu xuống thấp nông dân phải bán đất trả nợ hoặc vay tín dụng đen.

Thực trạng trên đã tác động lớn xã hội nông thôn, gây bất ổn đời sống xã hội nông thôn. Giá đất tại một số vùng hiện nay khoảng 300.000đồng/ha, ngân hàng lại cho vay 1 tỷ đồng/ha, đây là bài toán khó cho các ngân hàng cho nông dân vay trồng tiêu. Tỉnh đã có đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội và một số ngân hàng thương mại giản nợ, khoanh nợ và cho vay một ít để nông dân tái trồng trọt. Nhưng chính sách này chỉ giải quyết được cho nông dân vay các ngân hàng trong tỉnh, trong thực tế nhiều nông dân lại đi vay các ngân hàng tại các tỉnh khác.

Đây là lời cảnh tỉnh cho nông dân trồng tự phát không theo quy hoạch, định hướng, khuyến cáo của tỉnh. Nên nghe theo hướng dẫn của các nhà khoa học, các tổ chức đoàn thể, chính quyền …Cần có sự hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị bao tiêu nông sản và thành lập các hợp tác xã.

Nguyễn Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved