Theo đó, công tác tổ chức kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản sẽ được Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện trong cả năm 2020.

Đã có hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đóng cửa

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 200.000 người hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập. Tuy nhiên, trong tổng số lượng người làm công việc môi giới bất động sản, chỉ có khoảng 50% là hoạt động môi giới chuyên nghiệp. Số còn lại là hoạt động môi giới bất động sản nghiệp dư.

Cũng theo số liệu được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam công bố, trong 3 tháng đầu năm 2020 đã có hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đóng cửa. Ngoài ra, 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Chia sẻ với PV mới đây, ông Lê Tiến Liêm – Chủ tịch Sàn giao dịch Bất động sản Tân Long cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lượng giao dịch tại sàn giảm sút khá nhiều do yếu tố tâm lý lo ngại của khách hàng và những khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.

Không khá khẩm hơn, ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Tây Phát, một sàn bất động sản có văn phòng tại Hà Đông than thở, dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của sàn. Đến nay lượng giao dịch của sàn này đã giảm khoảng 95% so với thời điểm trước dịch.

Lãnh đạo một công ty chuyên bán các sản phẩm bất động sản ra nước ngoài thừa nhận, từ đầu năm đến nay số lượng giao dịch sụt giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tình hình hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch bất động sản đang rất khó khăn. Có 2 nguyên nhân chính, một là tình hình thị trường ảm đạm do không có nhiều nguồn cung mới, hai là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động một phần.

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản và các sàn giao dịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng Quản lý nhà nước có thể triển khai một số giải pháp như hỗ trợ, đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc về chính sách cho các dự án nhằm tạo cung cho thị trường. Bên cạnh đó, cũng nên có các chính sách thuế hỗ trợ các sàn giao dịch. Đó cũng chính là “giải cứu” thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Đính, vai trò của các Sàn bất động sản để “hâm nóng” thị trường sau dịch rất quan trọng. Theo đó, người môi giới cần thể hiện bản lĩnh giống giai đoạn 2011-2014, khi hàng hóa dư thừa thị trường đóng băng, môi giới đã giúp “phá băng” cho thị trường. Lúc này, các sàn môi giới cần cơ cấu, tinh gọn bộ máy và nhân sự để thích ứng ngay khi thị trường hồi trở lại.