Dù chưa cao đến mức gọi là sốt nhưng sự chênh lệch giữa giá cam kết, giá mục tiêu và giá thực tế đang cho thấy hiệu quả quản lý Nhà nước khi tồn tại thứ “giá trên giấy” và “giá thực tế”.
Hay nói như cách nhiều người dân gọi là “giá tivi”, tức là giá mà cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cam kết và “giá ngoài chợ”.
Doanh nghiệp giảm giá chỉ chiếm khoảng 35% thị phần
Hai tuần sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc “giảm ngay giá thịt lợn”, một tuần sau cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, cam kết đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau gần nửa tháng các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đồng loạt giảm giá lợn xuống 70.000 đồng/kg, giá thịt lợn ngoài thị trường vẫn “cố thủ” ở mức 160.000 – 180.000 đồng/kg.
Lý giải về điều này, Bộ Công Thương cho hay, giá thịt lợn chưa thể giảm nhanh do số lượng doanh nghiệp cam kết giảm giá thịt chỉ chiếm khoảng 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá trong đó, nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước. Ngoài ra, do dịch tả heo châu Phi xảy ra năm 2019 làm tổng thiệt hại mất 20% về số lượng, khối lượng thiệt hại mất 9,3%. Đây là một thiệt hại lớn không chỉ cho người chăn nuôi mà làm giá cả thịt heo tăng cao trong một thời gian.
Hơn nữa, còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành giá thấp như mong muốn. Một nguyên nhân nữa là giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu.
Như vậy, nói đi nói lại, chuyện giá thịt lợn 70.000 đồng/kg vẫn chỉ là mức giá trên… tivi, chung quy bởi do quản lý kém. Câu chuyện thì tưởng mới nhưng hóa ra nó vẫn là hệ quả của tình trạng quản lý cũ: Giá nông sản, thực phẩm ở nơi sản xuất thì thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì thành giá “cắt cổ” bởi các khâu trung gian, lợi dụng 1 vài yếu tố nghe có vẻ khách quan để thổi giá lên kiếm lợi.
Chưa bao giờ như thời điểm này, trong bữa ăn ngày thường, thịt lợn đã giống như một loại… đặc sản bởi vì, giá của nó đã quá cao. Giữa lúc dịch COVID- 19 tiếp diễn và giá thịt lợn vẫn “nhảy múa” ở ngoài chợ dân sinh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, chi tiêu của đa số các hộ dân vì thịt lợn là một trong những thực phẩm cơ bản, nhu cầu tiêu thụ rất cao và cũng không dễ thay thế bởi các loại thịt khác.
Thịt lợn nhập khẩu “vắng bóng” ở các siêu thị
Nguồn cung trong nước thiếu hụt khiến giá thịt lợn leo cao trong suốt thời gian qua. Nhập khẩu thịt lợn là giải pháp quan trọng bù đắp sự thiếu hụt này. Song, thịt nhập khẩu chưa thể tiếp cận rộng rãi tới người tiêu dùng.
Theo Cục Thú y, tính đến ngày 27/3, Việt Nam đã nhập 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so cùng kỳ năm 2019. Các nguồn chính cung cấp thịt lợn cho Việt Nam là: Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65%, Nga 2,62%. Trước đó, trong năm 2019, Việt Nam đã nhập 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018.
Thực tế, giá bán trên thị trường của thịt lợn nhập khẩu rất rẻ, thậm chí rẻ bằng một nửa thịt lợn trong nước. Nhưng như nhiều người tiêu dùng vẫn nói vui khi được hỏi mua thịt lợn rẻ ở đâu là: “lên tivi mà mua”.
Cái câu “lên tivi mà mua” bao hàm cả việc tivi nói các doanh nghiệp đã cam kết giảm giá bán mà sao giá ngoài chợ vẫn cao nhưng đồng thời cũng còn là hàm ý mua thịt lợn nhập khẩu với giá rẻ rất khó ngoài ở siêu thị hay ngoài chợ.
Vậy hàng nghìn tấn thịt lợn nhập khẩu đang đi đâu và tiêu thụ ra sao? Trong khi, kỳ vọng của Chính phủ cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là dùng thịt lợn nhập khẩu để bình ổn giá thịt lợn trong nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Coopmart Hà Đông cho biết, siêu thị không bán thịt lợn nhập khẩu bởi có bán cũng không có khách mua. Theo bà Dung, ngay cả tình huống thiếu thịt trong trường hợp khẩn cấp không đủ thịt tươi bán cho khách hàng, siêu thị cũng lấy nguồn hàng dự trữ là thịt lợn trong nước cấp đông chứ không bán thịt lợn nhập khẩu.
Đại diện siêu thị Big C cho biết, hệ thống Big C miền Bắc không bán thịt lợn đông lạnh nhưng miền Nam có bán và số lượng ít dưới 1%. Giá thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn thịt tươi trong nước từ 7-9% nhưng số lượng tiêu thụ thấp. Do thói quen người tiêu dùng nên rổ hàng hoá tại hệ thống siêu thị vẫn tập trung bán thịt lợn tươi sống đến 99%.
Siêu thị nói rằng do thói quen tiêu dùng của người dân không chuộng thịt lợn nhập khẩu nên không bán; còn người tiêu dùng thì không tìm thấy thịt lợn giá rẻ ở đâu? Sự chưa gặp nhau giữa cung – cầu trong khâu phân phối tới người tiêu dùng đang cho thấy một khoảng trống rất lớn còn tồn tại ở khâu phân phối.
Đứng trước điều này, không ít ý kiến còn cho rằng đang có sự giả khan hiếm hàng ở khâu phân phối. Nếu có thật thì đúng là nguy hại và người tiêu dùng chịu thiệt thòi rất lớn.
Trên thực tế, mức giá hấp dẫn của thịt nhập khẩu khiến các bà nội trợ cũng bắt đầu quan tâm. Trên Facebook có người còn nói vui “cũng là lợn Nga: 80k/kg nhé. Em chả cầu kỳ gì. Chỉ thích luộc lên chấm xì dầu tương ớt hoặc muối tiêu chanh ớt thôi…”.
Hay “Sườn cánh buồm mua cả tảng này 1,5kg mà giá chỉ có 90.000 đồng/kg, rẻ bằng một nửa so với giá sườn bán ngoài chợ, còn so với trong siêu thị thì rẻ bằng 1/3”. Nhiều bà nội trợ cho biết, đợi mãi chẳng thấy giá thịt lợn giảm nên khoảng 1 tuần nay, bắt đầu chuyển sang ăn thịt lợn nhập khẩu do giá rẻ hơn thịt bán ở chợ và siêu thị rất nhiều.
Như vậy, con đường của thịt lợn nhập khẩu đến tay người tiêu dùng vẫn còn khá xa, khi các kênh tiêu thụ chính là các siêu thị vẫn thờ ơ với sản phẩm này. Và người tiêu dùng, không phải ai cũng biết lên mạng tìm mua thịt lợn nhập khẩu cũng như còn nghi ngại về chất lượng vì mua bán online thiếu sự kiểm soát chặt chẽ…
Có một điều là vốn dĩ tâm người Việt rất sính dùng hàng ngoại, từ đồ ăn uống nhập khẩu như sữa, bánh kẹo… đến mặc song thịt lợn ngoại lại không “sính”. Nếu như người dân chưa có tâm lý dùng thịt ngoại nhập nhưng giá như ở các kệ bày ở siêu thị, các cửa hàng có đồng thời cả hai loại thì tâm lý mua thử, mua giá rẻ chắc chắn sẽ giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày của mình. Có như vậy, việc bình ổn giá mới thực sự đáp ứng đúng mục tiêu và mong muốn của Chính phủ khi cho phép nhập khẩu thịt lợn để bình ổn giá.