Một du khách người Pháp đã từng chia sẻ sau chuyến du lịch tại Việt Nam: “Không gì dễ dàng hơn việc xả rác tại Việt Nam. Mỗi khi muốn vứt cái gì, bạn chỉ cần thả tay ra và mặc kệ cho rác rơi xuống đường. Có thể do nhân viên vệ sinh làm việc hiệu quả. Rác thải thường biến mất sau một đêm. Có lẽ đó là lý do mà người ta không suy nghĩ nhiều khi ném giấy, nhựa, vỏ hộp hay bất cứ thứ gì xuống mặt đất”.

Đây là một câu chuyện buồn, bởi lẽ, ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch Việt. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi khách du lịch đã thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông, 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa mỗi ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.

Rác thải nhựa vẫn đang được xả ra môi trường mỗi ngày tại các điểm du lịch.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, tới sự bảo tồn và đa dạng sinh học, vẻ đẹp cảnh quan môi trường, qua đó ảnh hưởng tới sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, khi mùa cao điểm du lịch đang đến gần.

Thay đổi tư duy, nhận thức

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, giảm rác thải nhựa không phải là việc khó vì bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể làm được. Mỗi người chỉ cần có ý thức hạn chế tối đa việc sử dụng rác thải nhựa, tránh xả thải ra môi trường khi đi du lịch… là đã giảm được gánh nặng lớn cho môi trường.

Muốn làm được, trước hết phải bắt đầu từ việc giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nylon khó phân hủy, thay vào đó hãy tập thói quen dùng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nylon tự phân hủy,…

Thay toàn bộ ly và chai đựng nước bằng thủy tinh là một trong những hành động nhằm giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú.

Tại Khánh Hòa, đã có nhiều khách sạn, khu du lịch sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông, ống hút nhựa; sử dụng vật liệu phế thải để làm các vật trang trí như là thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường. Điển hình như Khu du lịch Champa Island Nha Trang với vườn hoa, cối xay gió, hải đăng bằng rác thải nhựa; Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú sử dụng vật liệu phế thải để xây dựng công viên rác thải 5.000m2 ở Khu du lịch Hòn Lao – Đảo Khỉ. Hầu hết các khu nghỉ dưỡng đã chuyển từ việc dùng túi vải cho khách đựng đồ thay vì túi ni lông, sử dụng chai thủy tinh để đựng nước lọc,…

Đại diện doanh nghiệp lữ hành, bà Lê Thị Thúy Hằng, công ty TNHH Du lịch và Thương mại Winpro (Hà Nội) cho rằng, ngành du lịch đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng đang tạo nên những ảnh hưởng nhất định đến môi trường du lịch và sinh thái. Du lịch đang hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các tổ chức, cá nhân trong ngành cần đi tiên phong trong vấn đề môi trường, xã hội bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Để giảm rác thải nhựa ra môi trường, các doanh nghiệp du lịch hoàn toàn có thể làm tốt, bằng chính những chính sách của công ty, tuyên truyền cho du khách.

“Thông điệp “Sạch và Xanh” của công ty luôn hướng đến cho mỗi khách hàng trong mỗi chuyến đi, cùng chung tay với các điểm du lịch bảo vệ môi trường. Từ đó, dần thay đổi tư duy và nhận thức của khách hàng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới du lịch xanh, phát triển bền vững”, bà Hằng cho hay.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi đi du lịch bắt đầu từ hành động nhỏ

Lan tỏa tới cộng đồng

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch”. Dự án sẽ triển khai đồng loạt nhiều hoạt động như: Tổ chức các hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa tới người dân, du khách, doanh nghiệp du lịch; Xây dựng, áp dụng và thí điểm “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”; Xây dựng và vận hành ứng dụng về quản lý rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ thí điểm thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam.

Là địa phương thực hiện thí điểm đầu tiên của dự án, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam – Văn Bá Sơn bày tỏ, để triển khai dự án hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền ý thức cho người dân, du khách và doanh nghiệp trong việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị triển khai du lịch xanh, không sử dụng chất thải nhựa. Việc này cần phải được cộng điểm khi đánh giá chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Hình ảnh bãi biển Vũng Tàu sạch đẹp khi không có rác thải.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình – Phạm Duy Phong cho hay, Ninh Bình sẽ tập trung thu gom rác thải, tập huấn, hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác thải, trước mắt thí điểm ở Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Vân Long…

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” mới được khởi động với nhiều hy vọng có thể mang lại lợi ích lâu dài cho ngành du lịch. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, trước mắt, ngành du lịch sẽ nỗ lực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, du khách, đồng thời, thực hiện thí điểm mô hình, sau đó sẽ nhân rộng tới nhiều địa phương trong cả nước.

Mùa cao điểm du lịch đang đến gần, để không bị “mất điểm” trước du khách, nâng cao hình ảnh và vị thế của du lịch Việt Nam, thiết nghĩ, mỗi người dân, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và quyết liệt hành động, “nói không với rác thải nhựa” để du lịch Việt Nam thực sự là điểm đến lý tưởng cho bạn bè khu vực và thế giới.

Vũ Phường