Năm 2023 đã trôi qua, nền kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các “cơn gió nghịch” đã đẩy kinh tế toàn cầu vào một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 – 2008.

Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thế giới không có nhiều con số tăng trưởng nổi bật.

Mới đây, tại Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023, các dữ liệu thống kê cho thấy, đến quý 3/2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu trị giá 187,6 tỷ USD, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng 23,4 tỷ USD được đầu tư cho startup, sụt giảm rõ rệt so với 37 tỷ USD/tháng của năm 2022.

Cùng với đó, tổng hợp dữ liệu từ StartupBlink, Crunchbase, CBInsights cho thấy, tốc độ tăng trưởng kỳ lân cũng giảm mạnh, chỉ tăng 8,5% (từ năm 2022 – 2023) so với 67% (từ năm 2021 – 2022) và 80% (từ năm 2020 – 2021). Số lượng kỳ lân mới trung bình hằng tháng của năm 2023 đánh dấu mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua.

Theo nhận định được đề cập trong Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam, năm 2023 đánh dấu sự suy giảm của các hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu. Điển hình nhất là trung tâm đổi mới sáng tạo thành phố San Francisco (Mỹ) đã trở nên tương đối đắt đỏ và thiếu an toàn. Hệ sinh thái của thành phố London (Vương quốc Anh) xếp thứ 3 toàn cầu cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng sau khi Anh rời EU…

Về lĩnh vực ngành nghề đầu tư, năm 2023, phần mềm và dữ liệu tiếp tục là lĩnh vực được các startup lựa chọn nhiều nhất (chiếm 31,95%) để thành lập các công ty khởi nghiệp mới. Tiếp theo lần lượt là Healthtech – công nghệ y tế (12,83%) và Fintech – công nghệ tài chính (10,43%).

Ngành thương mại điện tử bán lẻ và công nghệ xã hội giải trí tỏ ra kém hấp dẫn hơn với startup. Các startup trong lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ đã giảm, từ 9,76% snăm 2022 còn 9,47% và từ 10,38% còn 9,74% cho ngành công nghệ xã hội giải trí.

Startup fintech MFast của Việt Nam đã huy động thành công 6 triệu USD vòng gọi vốn Series A trong năm 2023

Không nằm ngoài xu hướng chung của toàn cầu, tại Việt Nam, dẫn số liệu từ Do Ventures cho thấy, hoạt động đầu tư mạo hiểm tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm 2 năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ ràng hơn ở mức giảm mạnh 40% trong số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận.

Số lượng giao dịch cũng giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình, với mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500 nghìn USD. Số lượng giao dịch trong phạm vi 10 triệu USD – 50 triệu USD giảm không đáng kể, vẫn duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2022. Xu hướng này cho thấy sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty công nghệ “trưởng thành” trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Bà Đỗ Hoàng Uyên Vy – đồng sáng lập và CEO của Do Ventures cho biết: “Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với cả nền kinh tế nội địa và toàn cầu hiện nay, việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư rất thận trọng với quyết định giải ngân. Khi đánh giá một công ty, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến bài toán đơn vị kinh tế (unit economics) thay vì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt với các công ty ở giai đoạn đầu. Vì vậy, các startup cần có sự thích ứng và chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng bền vững để có thể vượt qua giai đoạn biến động hiện tại”.