Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ (Nguồn ảnh: Báo đầu tư)

Trong cuộc “di cư” các nhà máy trên thế giới, Việt Nam đang dần tăng tốc và tạo ra sức hấp dẫn thu hút các dòng vốn FDI. Mỹ và các quan chức Liên minh Châu Âu cũng cho thấy họ sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong những năm qua, không chỉ tăng mạnh về số lượng, quan hệ thương mại Việt – Mỹ cũng đang ngày càng hướng tới sự hài hòa và bền vững hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ năm 2019 ước đạt khoảng khoảng 75 tỷ USD, tăng hơn 24% so với năm trước đó.

Nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ đạo, đóng góp hơn 20% GDP của Nebraska (một tiểu bang thuộc vùng Đồng bằng Lớn và Trung Tây của Hoa Kỳ). Hơn 90% diện tích đất của bang được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Pete Ricketts – Thống đốc bang Nebraska, Mỹ cho biết: “Một trong những lý do chúng tôi tới Việt Nam là để tìm kiếm cơ hội cho hàng nông sản.

Tháng 3 vừa qua, dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, 45 doanh nghiệp thường niên và đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN vẫn tới thăm và làm việc tại Việt Nam để triển khai chương trình xúc tiến đầu tư và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.

Tại buổi gặp mặt báo chí mới đây, ông Alex Feldman – Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) cho biết, Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ.

“Không ở đâu trong khu vực đang diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, quy tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ như tại Việt Nam giai đoạn hiện nay. Trong số 45 doanh nghiệp đến Việt Nam lần này, có hơn 30 doanh nghiệp lớn và gần 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Khoa học, đời sống và y tế. Điều đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, ông Alex Feldman nói.

Trước đó, những công ty hàng đầu nước Mỹ, gồm tập đoàn nổi tiếng thế giới như Google, Apple, Microsoft, nước giải khát Coca-Cola, dầu khí ExxonMobil, GE, Ford, ngân hàng và tín dụng MasterCard, Qualcomm, IBM, JP Morgan, Syngenta, dược phẩm như AstraZeneca… đã có mặt tại Việt Nam, tham gia các hoạt động do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN tổ chức.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, phụ trách Việt Nam cho biết, các công ty Mỹ thường cân nhắc về khuôn khổ pháp lý, chi phí để tuân thủ các điều kiện, đặc biệt là mức độ nhất quán giữa các luật lệ, quy định (luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật thuế), kèm các ưu đãi về thuế và đất đai. “Về tiêu chí này, so với các nước khác thì Việt Nam chưa được đánh giá cao” – ông Thành nói.

Nhân lực giá rẻ hiện đã không phải là lợi thế để các nhà đầu tư Mỹ tiếp cận các nơi đến đầu tư mà thay vào đó là sự sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng trung bình. Về trình độ tay nghề, thì so với Trung Quốc, Việt Nam “cũng đạt được”, nhưng về số lượng, Việt Nam “không thể đáp ứng được”, và đây là một điểm yếu.

So với các nước, nhà đầu tư thích nhất ở Việt Nam là chính trị ổn định, còn ở Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, có ưu điểm của các nước là có hệ thống pháp luật về kinh doanh tương đối ổn định…

Trong bối cảnh hiện nay, việc nỗ lực của Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp FDI tin tưởng Việt Nam có thể khống chế thành công dịch bệnh và sẵn sàng đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài sau khi dịch bệnh kết thúc.

Theo thống kê, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng chịu những tổn thất bởi dịch bệnh COVID-19. Ngoài tác động tiêu cực thấy rõ tại các doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch – khách sạn, thì các doanh nghiệp khác cũng thiệt hại từ 50-60% doanh thu trong tháng 2/2020. Đây chính là thời điểm thích hợp để hai bên bắt tay hợp tác, sẵn sàng cho sự trở lại mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn quản trị tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), đại dịch COVID-19 lộ rõ sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường, khiến chuỗi sản xuất cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy, không riêng gì Việt Nam hay nước sản xuất gia công nào.

Bên cạnh đó, việc phòng, chống và kiểm soát được dịch bệnh khiến Việt Nam tăng điểm trong mắt nhà đầu tư. Họ tìm thấy ở đấy sự đồng thuận của người dân với Chính phủ trong chiến dịch phòng, chống dịch, họ tìm thấy ở Việt Nam có nền chính trị ổn định, có những ký kết hợp tác thương mại tự do đến nhiều thị trường lớn, có bờ biển dài, thuận tiện trong giao thương. Thế nên, nhà đầu tư xem Việt Nam là một trong những lựa chọn ưu tiên là điều dễ hiểu. “Vấn đề là Việt Nam cần cảnh giá với câu chuyện đầu tư đội lốt, mượn xuất xứ để xuất khẩu, tạm nhập tái xuất tráo xuất xứ… Sau dịch COVID-19, vấn đề này càng không được lơ là”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Linh Nga