Và để hiện thực hóa khát vọng này đòi hỏi những nỗ lực phi thường, chuyển biến vượt bậc, đột phá, vượt lên chính mình của doanh nghiệp Việt Nam.

Lãng phí các nguồn lực

Những năm qua vai trò của kinh tế tư nhân liên tục được khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế; nhưng khu vực này đã và đang trải qua một quá trình phát triển nhọc nhằn và vẫn đang nhỏ bé, khó lớn và không muốn lớn. Nguyên nhân một phần cũng bởi họ đang hoạt động một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, hiện tượng “lợi ích nhóm”, “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu” khá phổ biến đã tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng.

Môi trường bất bình đẳng này khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bị chèn ép nhiều bề, khó lớn lên. Quyền tiếp cận các nguồn lực, thượng quyền và cơ hội kinh doanh của họ bị thu hẹp. Môi trường đó cũng không khuyến khích sự liên kết, làm yếu đi khả năng cạnh tranh, tạo lập các chuỗi cung ứng, các mạng lưới kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp, khiến cho nền kinh tế tăng trưởng với hiệu quả không cao và thiếu bền vững.

Thể chế nào, doanh nghiệp nấy, tình trạng doanh nghiệp tư nhân như trên vừa là hệ quả, vừa phản ánh thực trạng hệ thống kinh tế thị trường ở nước ta cần được cải cách mạnh mẽ về nhiều mặt.

khatvongviet1

Đặc biệt khi chúng ta mong muốn kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, thì bên cạnh nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong khu vực này, việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh phải là tiền đề số một.

Trong gần 35 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã thành công trong việc làm cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường trở nên không thể đảo ngược được, nhưng còn nhiều việc phải làm để hoàn tất quá trình này và thiết lập nền tảng vững chắc của kinh tế thị trường.

Nguyên tắc quan trọng nhất của kinh tế thị trường là tự do cạnh tranh. Nguyên tắc này cần được thực hiện trên nền tảng của một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, những người chơi chính trên thị trường.

Khơi dậy khát vọng

Văn kiện Đại hội Đảng XIII đặt khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 với quan điểm phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Việc mở rộng tầm nhìn, có đường lối phát triển thông minh và đúng đắn, có nỗ lực phi thường và chuyển biến vượt bậc, đột phá, thực hiện bằng được những cải cách cần thiết sẽ khơi dậy sức mạnh của cả dân tộc và thời đại và Việt Nam thịnh vượng là tương lai không xa.

Trước hết với lãnh đạo, đó là mở rộng tầm nhìn, nhận thức rõ bối cảnh mới đưa ra đường lối phát triển đúng đắn, thông minh, phù hợp với lợi ích phát triển của đất nước trong thời đại mới, và quyết tâm thực hiện bằng được những cải cách cần thiết, có thể tập hợp và khơi dậy sức mạnh của cả dân tộc và thời đại để chung sức đưa đất nước đi lên.

khatvongviet2

Lô cà phê đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Ảnh Hồng Điệp

Khu vực kinh tế tư nhân phải trở thành động lực quan trọng. Theo đó có rất nhiều việc phải làm từ cả phía Nhà nước và phía doanh nghiệp. Nhà nước cần rà soát lại các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào một sân chơi bằng phẳng, công bằng, minh bạch với đông đảo doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân.

Bản thân các doanh nghiệp cũng cần cùng nhà nước và cùng nhau thúc đẩy việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh ở nước ta. Các doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, thực hiện các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, liêm chính và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, chống sự hình thành các nhóm lợi ích đi ngược lợi ích chung của cộng đông doanh nghiệp hay của xã hội, chống các hành vi gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh.

Đồng thời, cải thiện các thị trường nhân tố sản xuất theo hướng cởi mở, tự do hóa hơn nữa để mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn, đảm bảo sự công bằng về khả năng tiếp cận và lợi ích của đông đảo doanh nghiệp, nhất là MSMEs, và người dân hơn. Đây là mảng vô cùng quan trọng trong nên tảng của kinh tế thị trường, bởi nó tác động rất lớn đến khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết của doanh nghiệp, đến tính hiệu quả của việc quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, đến sự công bằng và bền vững trong phát triển của quốc gia.

Đối với bản thân khu vực kinh tế tư nhân, để có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, việc quyết định nhất khu vực kinh tế tư nhân phải nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của mình. Trong tương lai, để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, cần tập trung vào hai lĩnh vực mà đông đảo doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân còn yếu đó là học hỏi và sáng tạo về công nghệ và quản trị, và liên kết và hội nhập.

Trong hơn ba thập niên vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thành công khi bước ra toàn cầu. Nhưng đáng tiếc là chúng ta đã an phận quá lâu với việc làm gia công ở khâu thấp nhất.

Hơn nữa, khi chúng ta đang liên kết và hội nhập trong một bối cảnh hoàn toàn khác trước. Tự do hóa thương mại và đầu tư đang lùi bước trước xu hướng bảo hộ tăng lên. Toàn cầu hóa đang lung lay, trong khi xu hướng khu vực hóa hay song phương đang lên mạnh. Tài nguyên, lao động giá rẻ không còn là lợi thế, trong khi ai nắm công nghệ thì có quyền chi phối thị trường. Những cơ hội mới cũng mở ra khi các chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch, thay đổi cấu trúc và có thể dịch chuyển một phần sang Việt Nam hoặc chọn Việt Nam làm cứ điểm cho dự án mới. Các FTA mới như CPTPP, EVFTA càng tăng thêm cơ hội cho Việt Nam. Điều đáng nói là hầu hết những cơ hội mới này đều gắn với các công nghệ mới, chuẩn mực mới và đòi hỏi cao hơn, toàn diện hơn về chất lượng của đối tác để được tham gia các liên kết mới.

Vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội đều đòi hỏi chúng ta phải tự thay đổi, và để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phải lấy kỹ năng chuyên môn, công nghệ tiên tiến và hệ thống quản trị hiện đại làm nền tảng cho sức mạnh của bản thân doanh nghiệp.