Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa có ý nghĩa lịch sử trọng đại và tiêu biểu trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, thể hiện khát vọng cường thịnh mãnh liệt nhìn từ lịch sử.
Từ chiến thắng lịch sử…
Cách đây 232 năm, vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, dưới sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa với một cuộc hành quân thần tốc chưa từng có, đập tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Triều đình nhà Thanh từ khi được thành lập luôn rắp tâm xâm lược thôn tính nước ta. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, vua Lê Chiêu Thống cùng một số đại thần thân cận đã bỏ chạy lên phía Bắc, cho người sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi để xâm lược, vua Thanh sai tướng Tôn Sỹ Nghị đem 29 vạn quân tiến sang nước ta.
Nhận được tin đó, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ quyết định làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, chỉ huy quân tiến ra Bắc. Chỉ sau một thời gian ngắn, đầu tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn có mặt tại Tam Điệp, hội quân với tướng Ngô Văn Sở chuẩn bị tiến vào Thăng Long và tuyên chiến với quân Thanh.
Đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn bao vây khống chế đồn Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20 km) uy hiếp, khống chế và làm tan rã lực lượng lớn quân Thanh, mở màn cho chiến dịch giải phóng Thăng Long. Ngày mùng 4 Tết Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân đã tiếp cận được đồn Ngọc Hồi, phối hợp với các đạo quân khác chuẩn bị đánh chiếm và giải phóng Thăng Long.
Sáng sớm mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn khắp nơi xung trận phá hủy các chiến lũy, đồn bốt và toàn bộ hệ thống phòng thủ phía Nam đồn Ngọc Hồi, đồng thời phối hợp với đạo quân của tướng Đặng Tiến Đông mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ tiến vào khu đồn bốt Đống Đa, nhanh chóng thọc sâu vào những vị trí trọng yếu của quân Thanh, tiêu diệt sở chỉ huy địch.
Quân Thanh bị tiêu diệt đến 5000 quân, xác chết thành gò trước sức tiến công như triều dâng của nghĩa quân Tây Sơn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy, nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục truy đuổi, bao vây doanh trại của chủ tướng giặc Tôn Sỹ Nghị.
Tôn Sỹ Nghị vội vàng vượt cầu phao trên sông Nhị Hà (sông Hồng) tháo chạy. Tàn quân Thanh thấy vậy cũng chen lấn xô đẩy vượt cầu phao đến nỗi cầu phao cũng gãy đứt, quân giặc chết hàng vạn người xác nổi đầy sông. Thăng Long được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập.
Trận Ngọc Hồi – Đống Đa đại thắng đã chứng tỏ nghệ thuật quân sự của người “anh hùng áo vải, cờ đào” Quang Trung Nguyễn Huệ, đó là: Thần tốc – Táo bạo – Bất ngờ. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan sự xâm lược của quân Thanh, giải phóng hoàn toàn kinh thành Thăng Long, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Hằng năm, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: Ngày 29 tháng 7 âm lịch – ngày mất của Hoàng đế Quang Trung và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch – ngày Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.
2 ngày lễ lớn này nhằm tôn vinh công lao to lớn người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ đã có công chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước. Đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa tâm linh và tình cảm của nhân dân đối với Hoàng đế Quang Trung; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sâu rộng và phát huy giá trị văn hóa tâm linh đối với Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, gắn với các hoạt động nhằm phát triển dịch vụ, du lịch.
… đến khát vọng cường thịnh mãnh liệt
Có thể thấy, xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn chứng tỏ là một dân tộc có tính cố kết cộng đồng rất cao, có sức sống kiên cường và có khát vọng vô cùng mạnh mẽ. Nội dung của khát vọng dân tộc được thể hiện ra và trao truyền từ thế hệ trước tới các thế hệ sau dưới những hình thức khác nhau và với những nội dung cụ thể khác nhau – do các điều kiện lịch sử cụ thể quy định, song, bao trùm là các nội dung: độc lập, tự do, văn hiến và hùng cường.
Nhìn lại có thể thấy, khát vọng thường trực, cháy bỏng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự do, văn hiến và cường thịnh. Đó chính là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống, là yếu tố quy tụ khối đoàn kết và hội tụ sức mạnh toàn dân tộc, tạo nên tảng nền văn hóa chính trị cho cơ đồ đất nước.
Cội nguồn của khát vọng đó, không trừu tượng, không ở nơi nào đó xa xăm trong các học thuyết chính trị, giáo lý tôn giáo hay là ý chí chủ quan của bất kỳ triều đại hay bậc “minh quân, thánh chúa” nào, mà nằm ở ngay trong những mong ước giản dị thường nhật của người dân đất Việt. Nhưng để toàn dân có được cuộc sống yên bình, no đủ, hòa thuận và vui vẻ thì không chỉ có “ơn trời mưa nắng phải thì” mà đất nước còn phải tránh được các tai họa ngoại xâm, nội loạn, tức là toàn dân tộc phải độc lập, tự do, và hơn nữa, người dân phải được bảo đảm những điều kiện cần thiết để lao động sản xuất, có được cuộc sống yên bình trong một xã hội thuận hòa, nhân ái.
Đặc biệt, trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Việt Nam chưa từng khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào, dù mạnh hơn ta rất nhiều. Khí phách và sức mạnh Việt Nam được soi chiếu rực rỡ qua ba lần nhà Trần giương cao hào khí Đông A, đánh bại đạo quân Mông Nguyên hung hãn; và dưới thời đại Hồ Chí Minh, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, dân tộc ta đã chiến thắng những thế lực xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Sử sách còn mãi ghi những địa danh đã trở thành huyền thoại: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Đống Đa, Điện Biên Phủ trên không…
Bao trùm và xuyên suốt là phẩm cách yêu chuộng hoà bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần hoà hiếu của dân tộc Việt Nam. Dù chiến thắng huy hoàng, oanh liệt, dân tộc ta vẫn luôn đặt hòa khí làm trọng; lấy tinh thần nhân ái, hòa bình, hữu nghị, hợp tác làm phương châm xử thế.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi hạ quyết tâm “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta phải chiến đấu quét sạch nó đi” và luôn chỉ đạo “vừa đánh, vừa đàm”, tạo điều kiện cho đối phương kết thúc cuộc chiến trong danh dự, mà nổi bật là Hiệp định Genève (năm 1954) và Hiệp định Paris (năm 1973). Đó mãi mãi là những hình tượng sống động về tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Thăng Long- Hà Nội- Việt Nam: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”.
Nhìn lại tiến trình lịch sử, chúng ta càng thấu hiểu sâu sắc truyền thống Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị đã và luôn là giá trị văn hoá cốt lõi, mang tính dẫn dắt, giúp Thăng Long – Hà Nội trường tồn và phát triển rực rỡ. Cội nguồn làm nên bốn giá trị đó không gì khác hơn chính là lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại dưới sự chỉ huy của Bộ tham mưu sáng suốt của dân tộc.
Chiếu dời đô năm 1010, trên thuận trời, dưới thuận lòng dân khép lại với câu kết hướng về người dân để lắng nghe ý kiến: “Các khanh nghĩ thế nào”. Ngày 2-9-1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập bố cáo cùng toàn thế giới về một nước Việt Nam “có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần hỏi Đồng bào: “Tôi nói, Đồng bào có nghe rõ không?”. Sự trùng hợp lịch sử đã minh chứng sống động tinh thần lắng nghe nhân dân, tôn trọng nhân dân- một đặc sắc trong nghệ thuật “trị quốc” của Việt Nam.
Vì vậy, có thể khẳng định làm nên cốt lõi của khát vọng, tầm nhìn, ý chí dân tộc trong lịch sử Việt Nam không chỉ là triết lý an dân, vì dân, mà quan trọng hơn là tính tiên phong, dẫn đạo, mở đường cho dân tộc, cho Tổ quốc tiến đến một tương lai tươi sáng.
Lam Song