matsachnuoc

Sao Hỏa từng là một hành tinh ẩm ướt, tuy nhiên phần lớn nước đã thoát ly vào không gian – Ảnh: NASA

Theo báo cáo trên tạp chí khoa học Science, tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh MAVEN của NASA đã tìm thấy nước trong tầng điện li của sao Hỏa ở độ cao khoảng 150km. Sự xuất hiện của nước ở độ cao này rất đáng kinh ngạc, vượt qua con số ước đoán khoảng 80km trước đó.

Họ cũng ghi nhận nồng độ nước ở tầng khí quyển này thay đổi theo mùa trong năm, với đỉnh điểm là mùa hè ở phía nam hành tinh. Thời gian này, sao Hỏa bước vào mùa bão bụi xảy ra hằng năm, góp phần đẩy nước lên cao hơn nữa.

Phản ứng hóa học ở độ cao 150km khiến các phân tử nước chỉ có thể tồn tại trong khoảng 4 giờ rồi bị phân giải thành hydro và oxy. Hydro sau đó thoát li vào không gian, khiến hành tinh đỏ mất đi thành phần cấu tạo nên nước.

Với ghi nhận này, các nhà khoa học đã phải loại bỏ cách giải thích nguyên nhân mất nước trước đó. Họ từng cho rằng ánh sáng mặt trời phân giải lớp nước ở bề mặt hành tinh, rồi hydro mới từ từ khuếch tán lên cao và thoát khỏi hành tinh.

Kết quả mới cho thấy nước bị phân giải ở tầng không khí ngoài cùng, tạo điều kiện cho hydro thoát ra vũ trụ dễ dàng hơn. Theo tính toán của NASA, cơ chế này khiến quá trình sao Hỏa mất nước diễn ra nhanh gấp 10 lần so với các giả thiết trước đó.

Sao Hỏa từng là một hành tinh ẩm ướt với nước ở dạng lỏng hình thành các sông, biển, hồ. Tuy nhiên hành tinh này giờ chỉ còn là một hoang mạc cằn cỗi cùng một phần nhỏ nước dưới dạng băng ở hai cực.

Khám phá mới dù vẫn chưa thể giải thích đầy đủ về toàn bộ lượng nước mà sao Hỏa mất đi từ trước đến nay, nhưng đây chính là viên gạch đầu tiên cho các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu sắp tới.