Tối ngày 16/4, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chương trình nghệ thuật “Văn hóa các dân tộc – Hội tụ và phát triển” đã được tổ chức, chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2021.
Đến dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Lễ khai mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được bắt đầu với phần biểu diễn có chủ đề “Tâm linh-Nghĩa khí-Vịnh xuân đất Tổ.” Đây là màn hòa tấu trống đồng và phần biểu diễn thể hiện những nét văn hóa tiêu biểu đặc trưng thời kỳ Văn Lang, Âu Lạc, ca ngợi truyền thống dựng nước, giữ nước từ ngàn đời của dân tộc ta; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc…
Nhờ đó, nêu cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống dân gian, tạo cơ sở củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển đất nước.
Theo Người, văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc – là những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển.
Phát triển văn hóa phải được xem là một trong những đột phá quan trọng nhất để bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Cũng vì ý nghĩa quan trọng đó mà cách đây trên 7 thập niên, Bác Hồ khẳng định “Văn hóa soi đường quốc dân đi.”
Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về văn hóa, trong đó có việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Được biết, ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 bao gồm nhiều chương trình, sự kiện hấp dẫn và ý nghĩa, tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc của người Việt; quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc Việt Nam tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Các chuỗi hoạt động sẽ có sự tham gia của khoảng 270 người thuộc 17 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền như: Tày, Nùng, Mông, Khơ Mú, Thái, Bana, Xê Đăng, Ê Đê, Khmer…
Bên cạnh đó là các chương trình giới thiệu, trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh như: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Xoan Phú Thọ; dân ca Quan họ Bắc Ninh; Ca trù; dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh; Nhã nhạc cung đình Huế; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca tài tử Nam Bộ…
Phóng viên thông tin thêm, những hình ảnh, nhạc cụ dân tộc, lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc được giới thiệu, trình diễn và tái hiện sinh động trong khuôn khổ sự kiện như: Lễ rước nước (phục ruộc) trong lễ hội Kinh Dương Vương, vị vua Thủy tổ Việt Nam; Lễ mừng lúa mới “Kin khẩu hó” của đồng bào dân tộc Lào…
Hội nghị tổng kết 5 năm tổ chức hoạt động hằng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng sẽ diễn ra trong dịp này. Các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có cơ hội để góp ý, đề xuất phương thức hoạt động, cơ chế, chính sách, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, địa phương trong việc huy động nghệ nhân dân tộc ở các địa phương tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thời gian tới.
Sự kiện được kỳ vọng là cơ hội để các địa phương trong cả nước tổ chức những gian hàng quảng bá các điểm đến và giới thiệu các sản phẩm du lịch bản địa nhằm kích cầu du lịch Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tốt.
Phương Linh