Chuyển tới nội dung

Khai mạc La Liga: Khi giải đấu mất linh hồn

Cuối tuần này, La Liga chính thức bước vào mùa bóng mới. Sự háo hức giảm đi rất nhiều, khi biểu tượng của giải đấu – Lionel Messi – rời Barcelona để gia nhập PSG.

Khi bóng đá Tây Ban Nha đang cố gắng phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc Messi chia tay khiến cho tình hình có thể trở nên tồi tệ. Ngôi sao người Argentina đại diện cho vẻ đẹp và cũng là là sức hút lớn nhất về kinh tế.

Messi khiến La Liga mất nhiều hơn khi Ronaldo ra đi

“Sự ra đi của Cristiano Ronaldo, mặc dù điều đó khiến Real Madrid khó chịu, nhưng hầu như không có tác động nhiều đến La Liga, vì giải đấu đã dành nhiều năm để đảm bảo rằng thương hiệu vượt qua các cầu thủ”, Javier Tebas – chủ tịch La Liga – nói với RAC1 cách nay một năm, khi Messi gửi bản fax yêu cầu được rời Barca. “Nhưng trường hợp của Messi thì khác. Messi là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử giải đấu. Chúng tôi thật may mắn khi có cậu ấy”.

Javier Tebas và rất nhiều người đã thở phào, khi Messi cuối cùng đồng ý ở lại, vì “không muốn đưa đội bóng của cuộc đời mình ra tòa”. “Sẽ không phải một thảm họa nếu Leo ra đi”, ông Tebas giải thích, “bởi vì chúng tôi có hợp đồng truyền hình được ký dài hạn khi có hoặc không có Messi. Nhưng điều quan trọng là giá trị gia tăng. Messi luôn làm chúng ta thích thú”. Giá trị gia tăng ở đây là số tiền thu được từ các trận đấu và dịch vụ tương tự.

“Tôi muốn Messi kết thúc sự nghiệp ở giải đấu này”, Chủ tịch Tebas nói lên mong muốn của mình ngày này năm ngoái. Đúng như ước mơ của ông Tebas và người hâm mộ Barca, Messi ở lại và Josep Maria Bartomeu phải rời ghế chủ tịch, mở đường để Joan Laporta trở lại. Thật oái oăm, Laporta trở lại Camp Nou cũng đẩy Messi sang PSG. Trong vòng một năm, mọi thứ thay đổi chóng mặt.

Khi Ronaldo sang Juventus năm 2018, giá trị thương hiệu của Real Madrid giảm 18%. Mùa giải 2018-19, khán giả trung bình Real Madrid giảm 7,7% so với mùa cuối Ronaldo thi đấu tại Bernabeu. Điều này được giải thích là cuộc chia tay của CR7. Tuy nhiên, tỷ lệ trung bình toàn La Liga chỉ giảm 0,6%. Bóng đá châu Âu là ngành công nghiệp không khói, được liên kết chung với các hợp đồng dài hạn nên tác động trực tiếp không nhiều. Real Madrid tăng khán giả 10,1% ở mùa thứ hai không Ronaldo. Tổn thất của các CLB chủ yếu là thị trường châu Á, nhất là các hoạt động trực tuyến.

FC Barcelona v RC Celta - La Liga Santander

Không Messi, La Liga thiệt hại rất nhiều mặt

Ronaldo là một ngôi sao lớn trong lịch sử La Liga. Nhưng Messi là biểu tượng. Khi biểu tượng cuối cùng của giải đấu phải rời đi, sức hút mà La Liga tạo ra trong mùa giải mới chắc chắn sẽ giảm.

Mất linh hồn, mất tài chính

Thông thường, các đội thường kiếm được 12-15% doanh thu từ bán áo. Tuy vậy, với các CLB lớn nhất thế giới, con số cao hơn nhiều và không được công bố. Der Speigel dựa trên các tài liệu thu được từ Football Leaks cho biết, một CLB như Real Madrid nhận 22,5% tổng doanh thu trong hợp đồng với Adidas. Con số Barca nhận được từ kinh doanh áo đấu chắc chắn không thấp. Về khoản này, chỉ riêng Messi mỗi năm giúp CLB xứ Catalunya bán 2 triệu chiếc áo đấu. Nguồn thu lớn của Barca vừa đội nón ra đi, trong lúc Super League chưa có gì chắc chắn.

“La Liga không thể để mất Messi”, Angel Torres, chủ tịch Getafe, đồng thời là hội viên của Real Madrid, lên tiếng. “Chúng ta phạm một sai lầm mà tất cả chúng ta sẽ hối tiếc. Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới phải giải nghệ ở Tây Ban Nha”. Getafe là một trong những CLB luôn có tỷ lệ khán giả đến sân tăng lên sau mỗi mùa. Những trận đấu tiếp Barca với Messi trong đội hình luôn giúp các CLB trung bình và nhỏ có được nguồn thu đáng kể từ bán vé và dịch vụ gia tăng. Fran Canal, CEO Osasuna tiếp lời: “Sự ra đi của Messi sẽ làm giảm lượng khán giả quốc tế theo dõi La Liga và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các đội. Một số quốc gia mà người hâm mộ chỉ quan tâm cầu thủ, không phải CLB”. Tiếng nói của họ đại diện cho phần còn lại của La Liga.

Jimmy Burns, tác giả của cuốn sách “Barca: A People’s Passion”, cho biết: “Người Anh đến Barcelona để xem Sagrada Familia (nhà thờ lớn) và xem Messi”. Điều này cho thấy ảnh hưởng của ngôi sao người Argentina lớn như thế nào. Messi như một nét văn hóa trong lịch sử La Liga. Không còn anh, La Liga chịu ảnh hưởng và du lịch Tây Ban Nha cũng mất một lượng khách.

Cuối tháng Sáu vừa qua, bất chấp đại dịch, La Liga công bố khoản danh thu hơn 5 tỷ euro, cao nhất lịch sử giải đấu. Con số này gồm bản quyền truyền hình, chuyển nhượng cầu thủ, doanh thu ngày thi đấu và nhiều khoản khác. La Liga chờ đợi mùa 2021-22 là thời gian để phục hồi sau dịch. Bộ trưởng Bộ y tế Tây Ban Nha, Carolina Darias, thông báo về việc chấm dứt hạn chế sức chứa các SVĐ. Đây là một phần trong hỗ trợ của chính phủ để mở ra viễn cảnh tươi mới cho bóng đá. Cinco Dias, tờ báo tài chính uy tín có trụ sở tại Madrid, quá trình này đòi hỏi ngân sách 1 tỷ euro.

Khán giả khao khát trở lại sân sau thời gian dài bị hạn chế. Thế nhưng, linh hồn của La Liga và những giá trị đẹp nhất đã theo bước chân Messi ra đi. Chất lượng của giải đấu và chiến thắng của La Liga trên mặt trận Champions League là giải pháp cứu vãn tình hình. Một điều không hề dễ dàng, khi chất lượng Barca suy yếu, Real Madrid không đầu tư còn Atletico là một hoài nghi.

Theo TT&VH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved