Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng của năm 2023, các cảng hàng không trên cả nước đón 89 triệu lượt khách (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó, lượng hành khách quốc tế đạt 23,7 triệu khách (tăng 266,8%) và khách nội địa đạt 65,2 triệu khách (giảm 3,6%).

Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 44,1 triệu khách (tăng 20,3% so với cùng kỳ 2022). Riêng hành khách quốc tế tăng mạnh đạt 111,5 triệu khách (tăng 300,2%), còn khách nội địa đạt 32,6 triệu khách (giảm 3,6%).

Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), 9 tháng đầu năm 2023, các cảng hàng không trên cả nước đón 89 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 67 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với trên 650 chuyến bay mỗi ngày. Ngoài việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như: Cần Thơ – Vân Đồn, Hà Nội – Cà Mau.

Thị trường vận chuyển hàng không quốc tế vẫn đang tiếp tục duy trì đà phục hồi đối với phần lớn các thị trường truyền thống (ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Nga) và sự góp mặt của một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như: Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan.

Cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ và Úc.

Trái ngược với thị trường hành khách có xu hướng tăng, sản lượng hàng hóa qua các cảng hàng không lại giảm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Doãn Nề – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, để các doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng không sớm hồi phục, phát triển trở lại mức tăng trưởng cao như trước dịch, chúng ta cần những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hàng không, từ đó, giúp các hãng hàng không trong nước và thúc đẩy các doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng không như: sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thương mại hàng không cùng sớm hồi phục và phát triển.

“Cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính sẽ là cơ sở, là động lực để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó, có nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động, kinh doanh hàng không”, ông Nề nhấn mạnh.

Tổng thư ký VABA nhận định, việc thu hút đầu tư và du lịch sẽ giúp hàng không hồi phục và sớm duy trì mức tăng trưởng nhanh bình quân 18% như trong suốt một thời gian dài 10 năm vừa qua. Đây cũng là giải pháp giúp toàn ngành du lịch sớm đẩy nhanh tiến trình chinh phục mục tiêu đã đặt ra trong năm 2023 và vươn xa hơn nữa.

Hiện nay, có 64 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với trên 169 đường bay quốc tế kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi tới các điểm của Việt Nam như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế.

Trong đó, 10 thị trường quốc tế có số khách quốc tế vận chuyển nhiều nhất đến Việt Nam gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Úc và Ấn Độ.

Trái ngược với thị trường hành khách có xu hướng tăng, sản lượng hàng hóa qua các cảng hàng không lại giảm. 9 tháng đầu năm 2023, tổng thị trường hàng hóa của hàng không đạt 762.000 tấn (giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2022).

Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không đạt 887,5 nghìn tấn (giảm 15,3%). Trong đó, lượng hàng vận chuyển quốc tế đạt 637.000 tấn (giảm 24%) và lượng hàng vận chuyển nội địa đạt 250,4 nghìn tấn (tăng 19,5%). Sản lượng hàng hóa được vận chuyển bởi các hãng hàng không Việt Nam đạt 230.000 tấn (tăng 8,7%)./.

Minh Châu