Đó là chia sẻ của ông Lê Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia xung quanh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay vẫn đang tiếp diễn.

khac-phuc-tinh-trang--thieu-thuoc-vat-tu-y-te-1

 Nguyên nhân khách quan của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, Báo cáo từ Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, 106 thuốc được Trung tâm tổ chức đấu thầu năm nay gồm: Thuốc điều trị nhiễm khuẩn, thuốc tiêu hóa, thuốc tim mạch, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị tiểu đường và một số thuốc thiết yếu khác. Trung tâm cũng tiến hành đàm phán thành công 61/69 thuốc biệt dược gốc với giá trị giảm gần 2.000 tỷ đồng, tương đương 14,8%. Đặc biệt, một số thuốc điều trị ung thư có tỷ lệ giảm giá cao nhất lên đến 51%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát trong số đó có 24 loại thuốc chưa được cung ứng cho các cơ sở y tế theo dự trù. Cụ thể hơn, có 15 mặt hàng có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng và 9 mặt hàng chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế. Bên cạnh đó, một số loại thuốc thiết yếu, thuốc trúng thầu không có nhà thầu nào báo giá do quy định giá thuốc đấu thầu phải thấp hơn giá thuốc 12 tháng trước đó.

Trao đổi về thực trạng này, ông Lê Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết: Hầu hết các mặt hàng thuốc trúng thầu tập trung cấp quốc gia hiện nay đã đảm bảo khả năng cung ứng cho nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế. Hiện có một số mặt hàng thuốc trúng thầu có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế, Trung tâm đã tổ chức các đoàn giám sát đối với các nhà thầu cung ứng các mặt hàng này và đề nghị nhà thầu có biện pháp khắc phục và khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế.

Ông Dũng cho rằng, nguyên nhân khách quan của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên thời gian sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, vận chuyển và thông quan kéo dài từ 3 đến 5 tháng.

Mặt khác, sau dịch Covid-19, nhiều cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao so với dự trù tiến độ ban đầu nên nằm ngoài dự kiến của nhà thầu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho hay, hiện chỉ có 32 hoạt chất được tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia trên tổng số 1.226 hoạt chất thuộc Danh mục thuốc đấu thầu. Về giá trị, đấu thầu tập trung cấp quốc gia chỉ chiếm 6,7% trên tổng số giá trị sử dụng thuốc hàng năm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Số lượng hoạt chất và tỷ lệ giá trị còn lại do các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu”.

khac-phuc-tinh-trang--thieu-thuoc-vat-tu-y-te-2

Bộ Y tế đã bỏ quy định “giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại” khi mua sắm thiết bị y tế.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có báo cáo tổng hợp gửi Chính phủ về kết quả kiểm tra, đánh giá thực trạng và tác động của vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư và chuyển dịch nhân lực ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh. Theo ông Khuê, báo cáo tổng hợp của 4 đoàn kiểm tra từ tháng 8 đến nay cho thấy nhiều thách thức lớn trong hệ thống khám chữa bệnh.

Ông Khuê cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan, ngoài tâm lý e ngại của lãnh đạo một số đơn vị, còn có vấn đề về năng lực, kinh nghiệm của hội đồng đấu thầu một số nơi; bộ phận lập dự trù kế hoạch chưa sát thực tế, nhu cầu, chưa tiên lượng hết được mô hình bệnh tật…”.

Để khắc phục tình trạng nói trên, Bộ Y tế đã bỏ quy định “giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại” khi mua sắm thiết bị y tế

Ông Lê Thanh Dũng cũng cho hay, đơn vị đã đề nghị nhà thầu có biện pháp khắc phục, khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế. Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, trung tâm sẽ có văn bản đề nghị các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên; đồng thời có biện pháp xử lý nhà thầu theo các quy định của Luật Đấu thầu.

Khôi Nguyên