Mục đích của việc kết nối là để thúc đẩy sản xuất phát triển, sản xuất an toàn, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất cao, giá thành cạnh tranh.
Chính phủ đã có chủ trương về việc yêu cầu các địa phương doanh nghiệp và các cá nhân sản xuất kinh doanh thực hiện tốt 6 nhà, gồm nhà nông, nhà đầu tư, nhà băng, nhà nước, nhà phân phối và nhà khoa học.
Đây là một chủ trương rất đúng và kịp thời, nếu tổ chức tốt được việc kết nối sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất và kinh doanh ở nước ta trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Thực ra từ nhiều năm nay cũng đã có những cuộc kết nối được thực hiện, tuy nhiên những kết nối này còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ, kết nối cơ học là chính, địa phương nào mạnh về xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất thì công tác kết nối có nhiều điểm đáng ghi nhận, việc kết nối trước đây, hiệu quả đem lại còn thấp và chưa rõ rệt.
Ngay cả những cuộc kết nối để tiêu thụ hàng hóa nông sản của các địa phương trong cả nước gần đây thì hiệu quả đem lại mới được 20% (theo nhận xét của Bộ Công Thương).
Vậy chúng ta phải kết nối như thế nào để chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đem lại niềm tin cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của các địa phương trong cả nước?
Mục đích của việc kết nối là để thúc đẩy sản xuất phát triển, sản xuất an toàn, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất cao, giá thành cạnh tranh.
Tiếp theo đó, những quỹ hàng hóa được sản xuất ra được tiêu thụ một cách khoa học, hiệu quả theo đúng chương trình liên kết đã đề ra trong từng giai đoạn kế hoạch, giảm bớt thấp nhất việc được giá mất mùa, được mùa mất giá ở trên thị trường đã kéo dài nhiều năm nay chưa khắc phục được cơ bản.
Kết nối như thế nào để nền nông nghiệp ở nước ta đứng ở thế chủ động, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi nhuận hợp lý cho các doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân.
Kết nối để các nhà bán lẻ chủ động được nguồn hàng, tiếp nhận để tổ chức tiêu thụ một cách có kế hoạch, hàng hóa đạt tiêu chuẩn, giá cả hợp lý, phục vụ người tiêu dùng ít bị tồn kho ứ đọng, kém/ mất phẩm chất, đồng thời cũng góp phần vào việc xây dựng thương hiệu của hệ thống bán lẻ quốc gia.
Trong thời đại công nghệ 4.0, kinh tế số phát triển, công nghệ thông tin được áp dụng ngày càng sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế thì việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ không thể bỏ qua phương thức kết nối mạng.
Với ưu thế nổi trội của thương mại điện tử là không phân biệt không gian và thời gian, chi phí thấp, giao dịch tiện lợi, độ phủ rộng. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam ngày càng được đào tạo một cách bài bản và phát triển rất nhanh về mặt số lượng.
Rõ ràng, việc kết nối thông qua thương mại điện tử hiện nay và trong tương lai sẽ có những triển vọng rất khả quan. Những số liệu dưới đây cho ta thấy, những thành công bước đầu về phát triển thương mại điện tử ở nước ta, như doanh số thương mại điện tử mấy năm gần đây tăng bình quân 25% /năm, quy mô giao dịch thương mại điện tử năm 2020 khả năng đạt 13 tỷ USD, trong đó giao dịch bán lẻ đạt khoảng 10 tỷ USD.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, năm 2018 đã có 44% doanh nghiệp xây dựng xong website thương mại điện tử của mình, 36% doanh nghiệp bán hàng trên mạng xã hội, 12% doanh nghiệp có kinh doanh qua sàn thương mại Điện tử, 17% doanh nghiệp có kinh doanh trên nền tảng di động.
Đã có 84% doanh nghiệp và có đơn hàng và đặt hàng qua email, 48% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua mạng xã hội. Qua những số liệu trên cho ta thấy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã biết tận dụng việc giao dịch thông qua thương mại điện tử để kết nối với nhau.
Giờ đây đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề để giải bài toán kết nối một cách hiệu quả hơn, vững chắc hơn, nhân văn hơn, đúng pháp lý hơn.
Thứ nhất, cần phải kết nối bằng cái tâm của các doanh nghiệp và các cá nhân tổ chức kinh doanh trên thị trường, hàng hóa sản xuất ra và tiêu thụ trên thị trường đều phải thấm nhuần một câu hỏi là mình sản xuất kinh doanh để phục vụ cho ai?
Có đem lại những lợi ích và hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng xã hội hay không? Kiên quyết không chạy theo lợi nhuận là trên hết để tổ chức sản xuất kinh doanh.
Điều quan trọng là phải đảm bảo được chất lượng hàng hóa an toàn thực phẩm và một mức giá hợp lý để xã hội chấp nhận. Cái tâm của người sản xuất kinh doanh còn thể hiện ở chỗ, khi giao dịch mua bán với nhau, dù trực tiếp hay kinh doanh qua mạng cũng đều phải biết mình, biết người, không giành hết phần lớn lợi nhuận cho mình và đem lại thua thiệt cho đối tác.
Kiên quyết không sản xuất kinh doanh những mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém phẩm chất, làm thiệt hại cho người tiêu dùng và cho toàn xã hội. Sản xuất kinh doanh phải kiên quyết khắc phục những câu chuyện về ép cấp, ép giá, ép chiết khấu khi những doanh nghiệp nào đó đàm phán ở trên thế mạnh ở thị trường.
Thứ hai, kết nối phải thực sự bền bỉ, liên tục, không nản chí, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn đều phải có nhau, cùng nhau vượt qua những trở ngại để phát triển.
Thứ ba, kết nối 6 nhà nhất thiết phải có những ‘bà đỡ”, đó là vai trò hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp. “Bà đỡ” phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường.
“Bà đỡ” còn hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng các cơ sở vật chất và hạ tầng cho sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả với những chi phí hợp lý.
Thực hiện việc kết nối với những phương châm cơ bản kể trên, chắc chắn hàng hóa Việt nói chung và hàng hóa nông sản thực phẩm nói riêng của Việt Nam sẽ có chỗ đứng xứng đáng ở thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu trước sức ép của việc thâm nhập một cách mạnh mẽ của hàng hóa ở các nước mà Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại.
Đất nước chúng ta đi theo con đường phát triển kinh tế vận hành từng bước theo cơ chế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có sự quản lý của nhà nước, chính vì vậy nhờ sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp trong việc tự giác để kết nối với nhau thì vai trò “bà đỡ” của nhà nước và các ngành các cấp liên quan là vô cùng quan trọng.
Nhất thiết phải bảo vệ sự kết nối của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và nghiêm túc, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tương lai của chủ trương kết nối 6 nhà là vô cùng sáng sủa.
Chúng ta tin tưởng những sự kết nối một cách khoa học nhân văn và bền vững sẽ đem lại những kết quả tích cực, góp phần vào việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế của đất nước trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Vũ Vinh Phú