Người tiêu dùng Vân Nam có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản của Việt Nam. Nhưng cần lưu ý, hiện “quy định của Trung Quốc cũng là quy định của thế giới”.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam diễn ra chiều 31/5.
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Mẫn Tuệ – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Phát Lợi, mong muốn tìm hiểu thông tin về cách thức xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sang Vân Nam; nhu cầu của địa phương các bạn và cũng qua đây tìm hiểu; kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh thủy hải sản tại Vân Nam.
Giải đáp vấn đề này, đại diện phía Vân Nam cho biết, đây là một tỉnh nội địa của Trung Quốc nên người dân ở đây rất yêu thích và mong muốn được tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam.
Về điều kiện nhập khẩu, tỉnh Vân Nam tuân thủ mọi quy định của quốc tế về xuất nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản và nằm trong khu vực quản lý của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản nên phía Vân Nam rất quan tâm đến các mặt hàng này. “Chúng tôi mong muốn thủy hải sản Việt Nam sớm được nhập khẩu, sớm có mặt trên mâm cơm của người Vân Nam”, đại diện địa phương cho biết.
Hiện nay, Hải quan Trung Quốc cho phép đăng ký nhập khẩu hải sản thông qua các nền tảng thông minh trên các website. Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc cũng lấy mẫu độc lập để kiểm nghiệm, không liên quan và gây tốn chi phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Việc kiểm nghiệm các mặt hàng thủy hải sản cũng khác biệt so với các nông sản khác với những tỷ lệ kiểm nghiệm rất hợp lý. Cụ thể, với mặt hàng tôm hùm, Hải quan Trung Quốc đang kiểm nghiệm 8 loại bệnh và vi khuẩn ví dụ như bệnh đường ruột, đốm trắng, bệnh gan tụy….
“Nói chung, muốn đưa thủy hải sản Việt Nam vào Vân Nam, điều cần thiết là tuân thủ các quy định chung trên toàn thế giới”, vị đại diện tỉnh tóm tắt.
Bên cạnh đó, về tiêu chuẩn nhập khẩu và kiểm dịch, phía Vân Nam mong muốn các cơ quan chức năng Việt Nam đặt vấn đề với các cơ quan ngang cấp của Trung Quốc.
Với các sản phẩm khô, phía Trung Quốc yêu cầu phải có tên khoa học theo phiên âm La tinh vì những mặt hàng này rất khó nhận diện. Do đó, khi đăng ký, đóng gói các doanh nghiệp buộc phải sử dụng thông tin chính xác nhất để xây dựng các chứng nhận, phục vụ khai báo hải quan.
Tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – khẳng định, với hơn 700km biên giới, tiếp giáp với 4 tỉnh của Việt Nam là Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, tỉnh Vân Nam có nhiều lợi thế về nông nghiệp như chè, cao su, mía, cây ăn trái. Các địa phương Việt Nam tiếp giáp Vân Nam cũng có thế mạnh tương tự.
“Đây không phải là “thị trường đối chọi”, mà ngược lại bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Đường biên giới chung giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Nhu cầu, thị hiếu hai bên cũng có nhiều nét tương đồng”, ông Trần Thanh Nam khẳng định.
Nhận định các ý kiến tại diễn đàn đều xuất phát từ nhu cầu kết nối của doanh nghiệp hai nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị hai bên tiếp tục hướng tới giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng nông sản. Đồng thời, đề xuất thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa doanh nghiệp của Vân Nam và Việt Nam. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phối hợp tạo điều kiện giao thương hàng hóa.
“Nhiều vấn đề còn đặt ra, chẳng hạn như gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu. Khâu trung gian cũng là vấn đề cần khắc phục. Đây là việc cần khắc phục để đảm bảo chất lượng, giá thành”, ông Trần Thanh Nam chia sẻ.
Về hạn chế, Thứ trưởng Nam nhận định doanh nghiệp Vân Nam “có lẽ còn chút nghi ngại”, trong khi đó, hạ tầng cơ sở một số cửa khẩu của Việt Nam đang trong quá trình nâng cấp.
Với việc nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết ông sẽ tiếp tục làm việc với Hải quan Vân Nam, kêu gọi doanh nghiệp hai bên tích cực hưởng ứng.
“Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến xây dựng chuỗi logicstic, kho lạnh. Tôi biết nhiều doanh nghiệp ở đây rất muốn tham gia, đầu tư. Đây chính là nền tảng tạo ra nguồn hàng ổn định, bền vững, chất lượng”, ông Trần Thanh Nam cho biết.
Vân Nam và Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản và đầu tư nông nghiệp. Theo thống kê của Hải quan Côn Minh, kim ngạch thương mại nông sản giữa hai bên đạt 6.337 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2022, chiếm khoảng 15% kim ngạch thương mại nông sản của tỉnh Vân Nam.
Ông Lưu Xảo Tuyền – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) – cho biết, Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Vân Nam sẵn sàng tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam; tích cực triển khai kết quả cơ chế gặp mặt thường niên giữa tỉnh Vân Nam Trung Quốc và Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, phát huy vai trò cơ chế hợp tác trao đổi nông nghiệp giữa 5 tỉnh giữa Việt Nam và Vân Nam, thúc đẩy hơn nữa hợp tác nông nghiệp Vân Nam – Việt Nam.
Để tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp địa phương Vân Nam-Việt Nam, ông Lưu Xảo Tuyền đưa ra 3 đề xuất. Cụ thể, mở rộng hơn nữa các chuyến thăm và trao đổi lẫn nhau giữa các Sở nông nghiệp và nông thôn của hai bên, tổ chức hội nghị trao đổi và hợp tác nông nghiệp lần thứ hai giữa Vân Nam và 4 tỉnh Tây Bắc Việt Nam, tăng cường giao lưu và kết nối chiến lược phát triển nông nghiệp, đồng thời tìm thêm nhiều điểm hợp tác cùng có lợi.
Bên cạnh đó, tăng cường giao lưu, hợp tác khoa học kỹ thuật nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý nông nghiệp, thị phạm khoa học kỹ thuật nông nghiệp, quảng bá giống cải tiến, phối hợp phòng chống dịch bệnh động thực vật xuyên biên giới, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ cho nhau.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư nông nghiệp, cùng tổ chức các cuộc họp xúc tiến đầu tư nông nghiệp, gặp gỡ kết nối doanh nghiệp nông nghiệp, quảng bá môi trường đầu tư nông nghiệp, xây dựng nền tảng đối thoại, và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp.