Tiên phong ra biển lớn

Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia doanh nghiệp công nghệ số lần thứ IV, ông Nguyễn Văn Khoa – CEO tập đoàn FTP Nguyễn Văn Khoa cho biết, hành trình ra biển lớn của FTP bắt đầu từ những con số không: không thương hiệu, không tiền, không kinh nghiệm. Đó là cuối thập kỷ 90, FPT tiêu tốn hàng triệu USD khi hai văn phòng tại hai cường quốc công nghệ là Mỹ và Ấn Độ nhưng đều thất bại. Không có được hợp đồng, các văn phòng lần lượt đóng cửa, rút toàn bộ nhân sự về nước.

Chuyển sang thị trường Nhật Bản, FPT có khởi đầu không thuận lợi. Những thất bại liên tiếp, tập đoàn vẫn quyết tâm dấn thân và cuối cùng cũng có hợp đồng tại thị trường Nhật Bản. Đến nay, dù đã thành công tại nhiều thị trường lớn trên thế giới góp phần nâng cao giá trị thương hiệu ngành công nghệ thông tin trong chuỗi giá trị toàn cầu nhưng Nhật Bản là thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT với khoảng 10.000 nhân sự làm cho các dự án cho khách hàng Nhật Bản. Trong đó, có hơn 2.000 nhân sự với 16 quốc tịch làm việc trực tiếp tại các văn phòng của công ty ở Nhật Bản.

anh-1-anh-Khoa

CEO FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ hành trình nâng cao giá trị công nghệ số Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu

Từ chỗ là doanh nghiệp gia công phần mềm, CEO tập đoàn FPT cho biết, hiện nay FPT đã chuyển sang làm tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án chuyển đổi số tầm cỡ, phát triển các giải pháp Make in Vietnam, Made by FPT “may đo” riêng phù hợp với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới khắp 5 châu. Loạt dịch vụ này có thể triển khai 24/7 tại 7 quốc gia trên toàn cầu.

Những doanh nghiệp công nghệ số Việt được định vị là công ty toàn cầu như FPT hiện nay khá nhiều, trong đó có công ty VMO Holding. Ông Hoàng Tuấn Hải – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty VMO Holding cho biết, cách đây 10 năm, VMO được thành lập và để trở thành doanh nghiệp toàn cầu, VMO đã tìm cho mình thị trường ngách là các công ty startup tại Mỹ. Tuổi đời non trẻ, VMO lúc đó chỉ có “lưng vốn” là khát vọng, niềm tin.

Đến nay, VMO có khoảng 1.200 nhân sự, phục vụ khách hàng ở 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Ngoài thị trường Mỹ, công ty đã có các văn phòng ở Nhật Bản, Singapore và Thái Lan.

Để thuyết phục khách hàng chọn doanh nghiệp số Việt Nam làm đối tác, ông Hoàng Tuấn Hải chia sẻ, một mặt nhờ lợi thế của nền kinh tế chính trị ổn định, nhà nước quan tâm đến phát triển công nghệ thông tin, mặt khác, tự thân doanh nghiệp cũng nỗ lực, có định hướng đúng đắn trên hành trình dấn thân ra biển lớn. VMO định vị mình là người đồng hành, không phải nhà cung cấp dịch vụ để từ đó, đồng hành với khách hàng ngay cả khi đối tác gặp thất bại. Sau này, nhiều doanh nghiệp này đã quay lại, đề nghị VMO góp vốn và gắn bó để công ty có được thành công ngày hôm nay.

Kết nối cộng đồng doanh nghiệp số

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Các doanh nghiệp công nghệ số đang có nhiều dư địa để mở rộng thị trường.

anh-2-Momo

Nhiều bạn trẻ quan tâm tìm hiểu sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam

Doanh thu của ngành hiện đạt 135 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 130 tỷ USD nhưng chủ yếu là phần cứng và của các doanh nghiệp FDI. Trong khi xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và nội dung số chỉ đạt khoảng 5%. Việt Nam có khoảng 65.000 doanh nghiệp nhưng doanh thu chỉ khoảng 5 tỷ USD, trong đó nằm chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn.

Từ thực tế trên, CEO của tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam cần có một cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ. FPT với vai trò tập đoàn tiên phong công nghệ thông tin, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trở thành người đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam tại cả thị trường trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Nguyễn Văn Khoa đưa ra 5 đề xuất quan trọng: Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực; thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ; đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số quốc gia. Cuối cùng là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin.

Từ hành trình dấn thân của mình, ông Hoàng Tuấn Hải nhận thấy hạn chế của ngành công nghệ thông tin Việt Nam là trình độ ngoại ngữ, tư duy phản biện và đóng góp ý tưởng. Các doanh nghiệp công nghệ cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành trong việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở văn phòng tại thị trường nước ngoài. Từ đó, đại diện lãnh đạo công ty VMO Holding đề xuất cần nâng cao năng lực đào tạo nhân lực công nghệ số chất lượng cao kết hợp với mô hình đào tạo doanh nghiệp và nhà trường; xây dựng hub công nghệ Việt Nam, hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các thị trường công nghệ lớn như Mỹ, Đức, Nhật, Trung Quốc, Singapore…

Hạnh Lê