Thông qua chốt chặn Thổ Nhĩ Kỳ, NATO coi như hoàn tất nhiệm vụ kết nạp Thụy Điển vào khối, gây thêm sức ép với Nga và Tổng thống Putin.
Trước giờ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Latvia đã diễn ra cuộc gặp bộ 3 rất quan trọng giữa Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Edogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Theo đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận để Stockhom gia nhập NATO, đổi lại Thụy Điển mở đường cho Ankara vào Liên minh châu Âu (EU), dở bỏ lệnh cấm vận về thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng đáp lại bằng việc cung cấp máy bay F16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Matt Miller nhấn mạnh: “Mỹ đã ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”. Đấy là điều kỳ lạ trong ngoại giao quốc tế, một quốc gia ngoại khối dường như ít liên quan trên lý thuyết lại có tiếng nói rất trọng lượng với EU.
Các cuộc thương thuyết đầy toan tính đã gỡ bỏ chốt chặn cuối cùng trong tiến trình từ bỏ vị thế trung lập của Thụy Điển, như vậy NATO đã bành trướng “ôm” trọn vùng Baltic, khóa thêm một cánh cửa ra biển của hải quân Nga.
Cố nhiên, Moscow giận dữ với động thái của Ankara! Ông Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, nói với hãng tin TASS: “Đáng tiếc là chỉ trong vòng vài tuần Thổ Nhĩ Kỳ đã dần chuyển từ một nước trung lập sang một quốc gia không thân thiện”.
Ở phía Nam, Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm giữ eo biển Istanbul – tuyến đường biển duy nhất của Nga từ Biển Đen có thể ra Địa Trung Hải. Mới đây, Ankara còn tuyên bố sẽ đóng vai trò bảo đảm an ninh vận tải ngũ cuốc trên Biển Đen nếu Nga rút khỏi thỏa thuận.
Thổ Nhĩ Kỳ rất biết cách vận dụng lợi thế địa chính trị và quyền biểu quyết trong NATO. Tổng thống Putin nhiều lần “xuống nước” với người đồng cấp Edogan, thậm chí giành cho nước này nhiều ưu đãi. Nhưng một lần nữa, những hậu duệ của đế chế Ottoman trứ danh cho thấy “lợi ích dân tộc là trên hết”.
Việc NATO kết nạp Thụy Điển và sự mong mỏi của Ukraine gia nhập khối này là minh chứng cho thấy sự hấp dẫn của NATO, khối quân sự này đã thực sự sống dậy mạnh mẽ trở lại nhờ chiến sự Nga- Ukraine.
Song, hiện tượng trên cũng phản ánh một thực tế, ngày càng nhiều quốc gia lo ngại về hành động của Moscow, nếu không muốn nói nước Nga bị cô lập trên mọi phương diện. Tất nhiên, sự hiện diện của NATO đem đến mối lo chiến lược không đơn giản với Tổng thống Putin khi toàn bộ châu Âu chỉ còn Belarus thân cận với Điện Kremlin.
NATO mở rộng có thể không phải là “điềm lành” với hòa bình thế giới, mục tiêu cuối cùng của Mỹ không dừng lại ở Thụy Điển hoặc Ukraine, trận chiến cuối cùng ở châu Âu có thể sẽ làm tan rã nước Nga. Tham vọng của Mỹ là vậy, nhưng Nga cũng không ngồi im, khi đang đẩy mạnh với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc để tìm cách đối phó với Mỹ và phương Tây.
Trương Khắc Trà