Theo các chuyên gia, đây là một quyết định làm hài lòng Washington đồng thời là “cú tát” thực sự với Bắc Kinh và báo hiệu chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài hai thập kỷ với nhà điều hành di động lớn nhất nước này.

Huawei bị cấm phát triển mạng 5G tại Anh

Còn nhớ hồi tháng 1, chính phủ Anh khăng khăng xác nhận tiếp tục hợp tác với Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, bất chấp cảnh báo của Mỹ. Chính quyền của Thủ tướng Johnson cho phép Huawei có “vai trò hạn chế” trong phát triển mạng lưới 5G của nước này. Quyết định được công bố sau cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, do chính Thủ tướng Anh chủ trì.

Mỹ và châu Âu đã từng có những cuộc tranh luận gay gắt về việc loại bỏ Huawei khỏi quá trình phát triển mạng 5G. Tại Brussels, Liên minh châu Âu cho biết khối này không cấm Huawei và có thể áp dụng các quy tắc “nghiêm ngặt” khi hợp tác. Còn tại Anh, nước này đã sử dụng công nghệ và thiết bị của Huawei trong các hệ thống trong 15 năm qua. Thủ tướng Anh Johnson khẳng định, London có thể “vừa tìm thấy tiến bộ về công nghệ và vừa bảo đảm an ninh quốc gia”.

Dường như Mỹ đã thành công trong việc thúc đẩy Johnson đảo ngược quyết định hồi tháng 1 của mình, hạn chế và tiến tới hủy bỏ vai trò của Huawei trong tiến trình phát triển 5G tại Anh. Ngoài ra, theo các nhà phân tích, các cuộc “áp đặt chính trị” tại Hồng Kông và các câu hỏi về việc xử lý COVID-19 của Trung Quốc cũng đang góp phần làm tổn hại mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh.

Hội đồng An ninh Quốc gia Anh (NSC), do Johnson chủ trì, họp vào sáng thứ Ba để thảo luận về Huawei. Bộ trưởng Truyền thông Oliver Dowden sẽ công bố quyết định cho Hạ viện trong ngày.

Một số chuyên gia nhận định, sự thay đổi chính sách của chính phủ Anh là do tác động của các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với công nghệ chip. London đang “cảm giác” thấy sự khó khăn của Huawei trong thời gian tới.

Trong bối cảnh những căng thẳng chính trị đang leo thang giữa Trung Quốc và các nước phương tây. Huawei và các khách hàng của họ, bao gồm BT, Vodafone và Three, đang phải “nín thở” chờ xem lệnh cấm mới sẽ được mở rộng như thế nào và sẽ được thực thi nhanh ra làm sao. Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ, những ảnh hưởng này có thể sẽ làm các công ty trên thiệt hại hàng trăm triệu bảng.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson được cho là “rất có cảm tình” với Huawei khi ông dùng điện thoại của hãng này để selfie

Chủ tịch của BT, Philip Jansen cho biết, công ty này cần ít nhất năm năm để loại bỏ và thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Huawei. Ngoài ra, điều này có thể sẽ khiến tập đoàn BT phải đối mặt với sự chất vấn về chất lượng và sự phục vụ của 24 triệu khách hàng trong thời gian tới, một sự khó khăn rất lớn cho tập đoàn này.

Bên cạnh đó, một đối tác khác của Huawei là Vodafone cho biết, việc loại bỏ tất cả các thiết bị của Huawei sẽ tiêu tốn của họ lên đến hàng tỷ USD.

Cũng trong diễn biến trên, Huawei liên tục phủ nhận tuyên bố của Mỹ về việc họ đang làm gián điệp cho Bắc Kinh và cho biết các lệnh trừng phạt của chính quyền các nước phương tây là “thực sự vô lý”.

Bắc Kinh cũng đã phát biểu rằng, việc cấm công ty công nghệ toàn cầu hàng đầu của họ có thể sẽ làm “kéo lùi tiến trình phát triển” của nhân loại. Bên cạnh đó, Đại sứ Trung Quốc tại Anh cho rằng, việc “quay đầu” với Huawei sẽ làm hỏng hình ảnh của nước Anh và nước Anh sẽ phải chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu đối xử với Trung Quốc như một quốc gia thù địch.

Nguyễn Chuẩn