Hòa theo dòng chảy thương mại của thời đại, bánh trung thu ngày nay liên tục xuất hiện nhiều loại khác nhau với đầy đủ hình dạng, màu sắc bắt mắt. Dẫu vậy, trong kí ức của bao người dân Hà thành vẫn luôn chuộng những gì thuộc về xa xưa, đó chính là hương vị của những chiếc bánh trung cổ truyền làng nghề Xuân Đỉnh (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với lịch sử phát triển hơn 100 năm tuổi.
Những ngày này, có dịp đặt chân về làng nghề làm bánh, mứt, kẹo cổ truyền Xuân Đỉnh, thật không khó để bắt gặp thứ hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những chiếc bánh nướng mới ra lò cũng như sự hấp dẫn đặc biệt của thứ âm thanh lộp cộp, gõ gõ của khuôn gỗ làm bánh dẻo khi va vào nhau.
Theo các cụ cao niên trong làng, không ai biết nghề làm bánh trung thu ở đây có từ bao giờ, chỉ biết thức quà này không thể thiếu trong mâm cỗ trông trăng và là sản phẩm truyền thống người dân nơi đây.
Hỏi thăm một số gia tộc truyền thống nhiều đời theo nghiệp bánh, chúng tôi được biết: Bánh trung thu truyền thống Xuân Đỉnh có 2 nhân cổ truyền chủ đạo là thập cẩm và đậu xanh. Sau này đời sống người dân dư dả hơn thì có thêm nhân xá xíu với gà quay và dăm bông. Cách gói bánh ngày xưa cũng không giống bây giờ, ngày trước bánh đến tay người mua khi mới ra lò, vẫn còn nóng hổi và 5 cái được gói trong một tờ báo rồi lấy dây đai buộc lại.
Khác với các loại bánh công nghiệp trên thị trường, bánh trung thu của làng Xuân Đỉnh tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến công đoạn sơ chế, làm bánh và đúc khuôn. Gạo nếp để làm bánh phải là loại gạo ngon nhất đem vo sạch ngâm từ 3 đến 4 tiếng đến khi hạt gạo se thì mang vào rang. Gạo sẽ được rang với cát ở mức nhiệt 300oC cho đến khi hạt gạo rộp lên trên nền cát. Việc kiểm tra gạo đạt hay chưa phụ thuộc chủ yếu vào cảm quan và kinh nghiệm của người làm bánh.
Trải qua hàng trăm năm với đủ thăng trầm của thời cuộc, khi đất nước phát triển, không những các xưởng sản xuất bánh công nghiệp mọc lên như nấm mà còn có rất nhiều người làm bánh handmade bán tràn lan trên mạng. Những chiếc trung thu truyền thống Xuân Đỉnh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình làm bánh trung thu truyền thống vẫn luôn ý thức trong việc giữ gìn bản sắc, hương vị của bánh gia truyền. Họ luôn có niềm tin vào gu ẩm thực tinh túy, không chạy theo xu hướng xô bồ của người tiêu dùng hiện nay, nhất là người dân Hà thành.
Được biết, ngày nay sản phẩm bánh trung thu Xuân Đỉnh được săn đón trên khắp các thị trường trong nước, đặc biệt là hai nhịp cầu Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng như các thành phố lớn, thậm chí là cả nước ngoài. Cũng vì thế mà giờ đây, mỗi dịp Tết Trung thu về, chuyện “làm một vụ ăn cả năm”
Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làm bánh truyền thống tại phường Xuân Tảo, chúng tôi nhớ lại câu chuyện mà bà Phạm Thị Thanh Lương (đời thứ 3 theo nghiệp gia truyền) chia sẻ: Bánh Trung thu khi ăn phải thưởng thức thật chậm rãi để cảm nhận được độ giòn của mứt bí, cái béo ngậy giòn tan của mỡ và lạp xưởng, mùi thơm của vừng, lá chanh. Sau đó, mình uống một ngụm trà sen để vị của bánh và trà hòa quyện vào nhau tạo nên cái đặc trưng, tinh túy của hương vị cổ truyền. Để khi thưởng thức ta cảm nhận được rằng: “À, Trung thu đến rồi!” chứ không đơn giản cắt bánh để ăn cho no. Vì thế tôi tin, sớm muộn gì người ta cũng quay về với cổ truyền như tôi đã gìn giữ chiếc bánh gia đình bao năm qua.
Và có lẽ, cũng ít ai biết được rằng đằng sau những đôi tay thoăn thoắt trộn nhân, nhào bột, nặn, đóng khuôn, nướng bánh… lại là cả một nét truyền thống lâu đời mang đậm tinh hoa bản sắc của làng nghề truyền thống mà cha ông xưa để lại.
Trung thu năm nay, có dịp đi qua làng nghề làm bánh trung thu truyền thống Xuân Đỉnh chợt nhận ra thứ mùi vị đặc trưng bao lâu nay vẫn phả vào làn gió se se, len lỏi vào từng ngóc ngách của phường Xuân Tảo mỗi khi thu về khiến bất giác xao xuyến, háo hức về ngày trăng tròn Rằm tháng 8.
Huyền Chi