Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án ở nhóm rà soát thủ tục pháp lý để đôn đốc triển khai, khi được tháo gỡ khó khăn sẽ tạo nguồn cung lớn cho thị trường.
Kết luận sau buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải quyết “gỡ khó” trong triển khai thực hiện dự án bất động sản mới đây, Phó Thủ tướng yêu cầu với nhóm các vướng mắc đã có quy định của pháp luật nhưng do khâu thực thi tại địa phương, yêu cầu các Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể trước 25/4/2023 để các địa phương triển khai thực hiện.
Hơn 1.000 dự án đang triển khai
Thông tin trước đó từ Tổ công tác của Thủ tướng, với nhóm giải pháp thúc đẩy dự án đang triển khai, các bộ, ngành, địa phương rà soát dự án đang triển khai đủ điều kiện pháp lý, có khó khăn sẽ đôn đốc; các dự án còn vướng pháp lý thì làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án ở nhóm này.
Các vướng mắc được Tổ công tác chỉ điểm do thể chế, một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS, đất đai, đầu tư… còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng. Thứ hai là khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị phức tạp, kéo dài, chậm thực hiện ở các địa phương. Thứ ba là về khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu.
Các khó khăn này dẫn đến nguồn cung bất động sản và việc triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều hạn chế.
Trong khi đó, riêng tại TP HCM, có khoảng 156 dự án cũng đã được “đặt lên bàn cân”. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), giai đoạn 2016-2022, có đến 357 dự án (chiếm 24,7%) “dự án treo”, chủ yếu do vướng mắc về phương án giá bồi thường.
Khoảng 64 dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư sử dụng đất có nguồn gốc “đất công” thuộc các trường hợp do “sắp xếp lại, xử lý tài sản công” hoặc do “di dời nhà xưởng ô nhiễm” hoặc do “cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” mà chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý nên đã bị dừng triển khai thực hiện, dừng thi công; dừng các thủ tục xác định tiền sử dụng đất hoặc tiền sử dụng đất bổ sung; dừng thủ tục cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho chủ đầu tư, người mua nhà; không được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai nên các chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án này rất khó khăn.
Trong khi đó, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về bất động sản ngày 17/2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nhiều hồ sơ dự án được xử lý quá lâu, qua nhiều cấp lãnh đạo ở địa phương các thời kỳ quyết định, có hoặc không có vướng mắc về pháp lý nhưng các cơ quan có thẩm quyền xử lý “ngại” trách nhiệm, trì hoãn, đùn đẩy lên Trung ương xin ý kiến nhiều nơi, nhiều lần dẫn đến dự án chậm hoặc dừng triển khai thực hiện.
Doanh nghiệp “mòn mỏi” vì thủ tục
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, câu chuyện vướng mắc pháp lý diễn ra từ lâu đáng lý các địa phương phải chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để xem xét tháo gỡ sớm, chứ không phải đợi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mới triển khai.
“Tuy nhiên, dù muộn còn hơn không, thời gian tới, nếu các vướng mắc về tiền sử dụng đất, thủ tục pháp lý của dự án được tháo nhanh sẽ là cơ sở để chủ đầu tư có thể chuyển nhượng dự án, từ đó tạo dòng tiền, gia tăng thanh khoản cho chính doanh nghiệp trong giai đoạn tái cấu trúc quyết liệt hiện nay” – ông Quang nhận định.
Đồng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm. Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa – Giám đốc Trung tâm kinh tế luật và quản lý (Đại học Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, phải thừa nhận đang có tâm lý e sợ. Những vướng mắc và cả những giải pháp đã được đưa ra mổ xẻ nhiều nhưng vướng mắc tại hàng trăm dự án trên địa bàn vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Do đó, cần phải có giải pháp nặng đô hơn, nói nôm na là phải có “một bàn tay quyền lực” đủ thẩm quyền để giải quyết.
Theo vị chuyên gia, ngay cả tổ công tác của Chính phủ cũng vậy, biết được điểm vướng nhưng mọi giải pháp cũng phải dựa theo pháp luật, không thể làm khác được. Trong khi pháp luật còn chồng chéo, có những dự án kéo dài hàng chục năm, qua nhiều lần sửa luật.
“Do đó, cần nâng thêm một cấp đối với Tổ công tác của Thủ tướng, có đủ thẩm quyền để giải quyết, tháo gỡ từng dự án, từng doanh nghiệp cụ thể” – vị chuyên gia kiến nghị.
Diệu Hoa