Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
Đồng thời, báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo các đại biểu Quốc hội, có 3 trọng tâm sẽ là động lực phát triển kinh tế xã – hội năm 2022, đó là khôi phục – thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để huy động nguồn lực xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Điều quan trọng là phải quyết liệt xử lý những tồn tại có từ trước làm hạn chế hiệu quả của 3 trọng tâm này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho rằng, phân bổ, giải ngân đầu tư công rất chậm, đến hết tháng 9 năm nay mới đạt hơn 47%. Đặc biệt, đến giữa tháng 9, còn tới hơn 56.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ, giao chi tiết để triển khai thực hiện.
Tiền có trong ngân sách mà giải ngân chậm khiến đồng vốn đầu tư công hiệu quả. Không những thế, có tiền mà giải ngân chậm còn gây giảm phát, đồng tiền “ra trễ” thì rất khó phục hồi nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất, xem nền kinh tế hiện nay, có chỗ nào xây dựng danh mục đầu tư công để vừa có thể phục hồi kinh tế vừa giải quyết yêu cầu của cuộc sống, ví dụ xây dựng cầu đường, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Tuy nhiên, có những vướng mắc trong đầu tư công, vậy thì có thể áp dụng NQ30 hay không để tăng tốc giải ngân, bỏ những quy định chưa phù hợp để tăng tốc độ giải ngân.
Phóng viên cho hay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, nhưng vẫn chưa phù hợp, chưa hài hòa khi người dân và doanh nghiệp khó khăn mà lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn tăng cao…
Về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, (Tiền Giang) kiến nghị, không cần nới lỏng thêm chính sách, vì hiện nay thanh khoản trên thị trường vẫn tương đối dồi dào, điều cần thực hiện đó là giữ mặt bằng lãi suất tiền gửi như hiện nay và tiếp tục giảm lãi suất vay, tập trung vào giúp cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và tái cơ cấu lại nợ, nợ vay.
Phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt theo hướng luôn đảm bảo và đủ thanh khoản cho hệ thống nhân hàng, không để lạm phát tăng khi chúng ta đang giữ được mức dưới 4%.
Về công tác phòng chống dịch COVID -19 các đại biểu cho rằng, trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân, gây tổn hại sức khỏe và sinh mạng người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, trong thực hiện của một số địa phương áp dụng những biện pháp không phù hợp, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Theo các đại biểu nguy cơ dịch bùng phát trở lại là rất lớn, vì vậy trong thời gian tới chúng cần chú trọng cả hai giải pháp phòng và chống.
Nguyễn Việt