Nếu quy định về BT được đổi mới toàn diện, khắc phục tối đa bất cập của giai đoạn trước, 162 dự án thuộc loại hợp đồng này sẽ được khơi thông.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện loại hợp đồng BT và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BT chuyển tiếp trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tác và Luật Đấu thầu.
Hồi sinh hợp đồng BT là hợp lý
Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) là hình thức thực hiện đã góp phần đáng kể cho việc cải thiện hạ tầng về nhà ở, dịch vụ, hình thành các đô thị mới, khu dân cư mới.
Trước năm 2014, hình thức BT được áp dụng cả hai hình thức thanh toán bằng tiền và bằng quỹ đất theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Kể từ năm 2014, Chính phủ dừng thực hiện hình thức thanh toán bằng tiền. Từ năm 2018, hình thức thanh toán bằng quỹ đất theo cơ chế ngang giá được luật hoá tại Luật Quản lý và sử dụng tài sản công.
Tuy nhiên, theo Luật PPP, kể từ năm 2021, hợp đồng BT không áp dụng đối với dự án đầu tư mới.
Thực tế, lỗ hổng lớn nhất trong thực hiện hợp đồng BT là không thực hiện phổ biến phương thức đấu thầu rộng rãi mà chủ yếu là thực hiện chỉ định thầu. Vì thế, nhà đầu tư dự án BT được lựa chọn thì nghiễm nhiên trở thành chủ đầu tư dự án khác là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại mà không phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Cũng chính vì không thực hiện phương thức thanh toán Hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước, mà thanh toán chủ yếu bằng tài sản công để nhà đầu tư dự án BT thực hiện dự án khác, định giá đất đối ứng còn nhiều bất cập nên nhà đầu tư được hưởng lợi rất lớn.
Tuy vậy, không thể phủ nhận những hiệu quả từ các dự án BT trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa đầu tư. Gần đây, Quốc hội cũng đã cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai trở lại, gồm TP HCM, Hà Nội và Nghệ An.
Có thể thấy rằng chỉ nên dừng thực hiện dự án BT trong một thời gian nhất định để tập trung xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách, pháp luật nhằm bịt kín các lỗ hổng để đảm bảo đủ điều kiện khởi động lại các dự án BT là hoàn toàn hợp lý.
Lấp lỗ hổng trong thanh toán quỹ đất đối ứng
Hiện tại, Điều 3 dự thảo trên đang đề xuất bổ sung điểm e1 vào sau điểm e khoản 16 Điều 3 Luật PPP 2020 quy định về hợp đồng BT. Tuy vậy, về bản chất, hợp đồng BT và PPP có tính chất khác nhau.
Dự án PPP phải có yếu tố hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, trong lúc dự án BT được thực hiện trên cơ sở Nhà nước thanh toán giá trị Hợp đồng BT cho nhà đầu tư theo nguyên tắc ngang giá theo kiểu mua đứt bán đoạn. Do vậy, nên quy định một khoản mới về hợp đồng BT.
Ngoài ra, để bít lỗ hổng lớn nhất dẫn đến nhiều sai phạm bị phát hiện vừa qua, Hiệp hội đề nghị sửa đổi khoản 12 Điều 3 dự thảo Luật bổ sung Điều quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, được định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai để nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng.
Bởi dự thảo đã quy định chi tiết về tổng mức đầu tư công trình BT và quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư, nhưng còn thiếu quy định về định giá đất đối với quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT phải được thực hiện theo quy định tại Điều 158, Điều 159 Luật Đất đai 2024 và Nghị định 71/2024/NĐ-CP nên rất cần bổ sung quy định nội dung này.
Dự thảo luật cũng đang lấy ý kiến cũng quy định 2 phương án: Phương án 1 quy định áp dụng hợp đồng BT thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền; phương án 2 áp dụng cả cơ chế thanh toán bằng tiền và bằng đất.
Với phương án 1, nguồn thanh toán phải được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để có cơ sở thanh toán hoặc được chi trả trực tiếp cho nhà đầu tư dự án BT từ nguồn tiền thu được từ đấu giá tài sản công. Tuy nhiên, mô hình này vẫn có rủi ro. Nếu chậm thanh toán, phần lãi phát sinh sẽ dẫn đến giá trị công trình tăng lên.
Rõ ràng, việc lựa chọn cơ chế nào sẽ cần phải cân nhắc nhiều, để đạt được mục tiêu khắc phục các vấn đề bất cập của mô hình này, đồng thời hoàn thiện quy định để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn. Nhưng nếu các vướng mắc nêu trên được giải quyết, khoảng 162 dự án BT còn tồn đọng, với tổng mức đầu tư các dự án là 58.616 tỷ đồng sẽ được khơi thông.