Chiến sự Nga – Ukraine và vấn đề Trung Quốc trở thành tâm điểm của hội nghị G7 năm 2023.

Hội nghị G7 tại Hiroshima, Nhật Bản mới đây không chỉ thu hút sự chú ý của thế giới về vấn đề chiến sự Nga – Ukraine, mà còn hé lộ những quan điểm mới của Mỹ và phương Tây trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc.

Thông qua các tuyên bố chung mà hội nghị đạt được, giới quan sát nhận thấy Mỹ và nước chủ nhà Nhật Bản đã đạt được những mục tiêu ban đầu của mình: củng cố các “vũ khí” ngoại giao của mình nhắm tới Bắc Kinh.

Lời nhắc nhở về “nguy cơ” an ninh từ Trung Quốc

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 về Trung Quốc giống như một lời “tuyên chiến” mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh. Các phát biểu, đặc biệt trong các cuộc gặp mở rộng, tập trung vào một loạt các vấn đề có liên quan đến Trung Quốc, bao gồm sự hung hăng ngày càng tăng trong các tranh chấp như Biển Đông, Hoa Đông, vấn đề Đài Loan hay cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ. Đặc biệt, việc phát hiện một loạt tiền đồn do thám của Trung Quốc tại hải ngoại mới đây cũng trở thành tâm điểm của hội nghị.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc … không tiến hành các hoạt động can thiệp nhằm phá hoại an ninh và an toàn của các cộng đồng, sự toàn vẹn của các thể chế dân chủ và sự thịnh vượng kinh tế của chúng tôi”, các nhà lãnh đạo cho biết trong tuyên bố chung.

Những quan ngại này xuất hiện vào lúc uy tín quốc tế của Bắc Kinh đang gia tăng mạnh mẽ thời gian qua, không chỉ ở châu Phi, Mỹ Latinh, mà còn ở Trung Đông và cả chiến sự Nga – Ukraine.

Do đó, theo các chuyên gia nó có thể được hiểu với hàm ý rằng Trung Quốc vẫn là một “nguy cơ” đối với trật tự thế giới cũ, và những nỗ lực ngoại giao gần đây của Trung Quốc không làm lu mờ được tham vọng của Bắc Kinh trong các vấn đề chủ quyền phức tạp khắp châu Á – Thái Bình Dương.

Thúc ép Bắc Kinh giải quyết vấn đề Nga – Ukraine

Trong các tuyên bố chung về chiến sự Nga – Ukraine, G7 dường như đang đặt thêm sức ép buộc Bắc Kinh phải giải “bài toán” này một cách nhanh chóng hơn.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc gây áp lực buộc Nga ngừng hành động gây hấn quân sự và rút quân ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine”, tuyên bố nêu rõ và nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc ủng hộ một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm cả thông qua đối thoại trực tiếp với Ukraine.”

Dù ra sức tìm hướng giải quyết chiến sự Nga – Ukraine, nhưng Bắc Kinh dường như đang “mắc kẹt” trong cách tiếp cận nước đôi của mình. Một mặt, Bắc Kinh muốn hỗ trợ cho Nga để cân bằng với phương Tây. Nhưng mặt khác, Trung Quốc lại cần châu Âu để tạo thêm ảnh hưởng với Ukraine nhằm đi tới một giải pháp chính trị. Thế nhưng cho tới nay, những tiếp xúc với Kiev quá ít ỏi và khó có khả năng Trung Quốc có đủ sức thuyết phục Tổng thống Zelensky bước vào bàn đàm phán.

Với những tuyên bố trên, G7 còn muốn hàm ý rằng Trung Quốc đang đứng về phía Nga và Bắc Kinh đang mâu thuẫn với các tuyên bố ủng hộ hòa bình như trước đó đưa ra. Và để chứng minh điều ngược lại, đó rõ ràng là một bài toán khó cho ông Tập Cận Bình trong bối cảnh hiện nay.

Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ với các tuyên bố của hội nghị G7 nhắm vào mình

Thống nhất cách đối đầu kinh tế với Trung Quốc

G7 đã đưa ra một số vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế, bao gồm thông điệp chung về cách tiếp cận với Trung Quốc; cũng như một cam kết huy động tới 600 tỷ USD tài trợ cho chương trình Đối tác Đầu tư Cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm cạnh tranh với BRI của Trung Quốc.

“Chúng tôi không tách rời hoặc “đóng cửa” với Trung Quốc. G7 nhận ra rằng khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi phải loại bỏ rủi ro và đa dạng hóa… Chúng tôi sẽ giảm bớt sự phụ thuộc quá mức trong các chuỗi cung ứng quan trọng”, tuyên bố G7 cho biết.

Việc nhấn mạnh yếu tố “giảm thiểu nguy cơ” thay vì “tách rời” được các chuyên gia nhận xét là cách tiếp cận phù hợp với lợi ích của các bên. Trong khi Mỹ quyết liệt với các biện pháp rời xa Trung Quốc, thì châu Âu tỏ ra lưỡng lự khi các quốc gia trụ cột như Đức hay Pháp vẫn còn quá nhiều lợi ích kinh tế với Bắc Kinh.

Nhưng với các tuyên bố mới nhất, Mỹ và các đồng minh rõ ràng đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu căng thẳng về kinh tế và chuỗi cung ứng với Trung Quốc, và sẽ khó có chuyện liên kết thương mại và kinh tế xuyên lục địa bùng nổ như trước kia.

Như phát ngôn viên của Thủ tướng Anh tiết lộ, Thủ tướng ông Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh sự thống nhất mạnh mẽ về “cách tiếp cận tập thể của G7 đối với mối đe dọa kinh tế do Trung Quốc gây ra”.

Trường Đặng