Chuyên gia của CEL cho rằng, chỉ các công ty thích nghi tốt cùng với chuỗi cung ứng linh hoạt hay “chịu chi” sẽ là nhóm còn sống sót…
Theo ông Julien Brun, Managing Partner, Công ty tư vấn quản trị cung ứng (CEL Consulting), dưới góc độ chính sách, thời điểm phản ứng, cách tiếp cận trong việc đưa ra giải pháp, lượng tiền bơm vào cứu trợ nền kinh tế của chính phủ và năng lực của hệ thống y tế của từng quốc gia sẽ quyết định thời điểm mở cửa của các nền kinh tế.
“Chịu chi” sẽ sống sót?
Xét đến bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, các lĩnh vực từ bất động sản, logistics, hàng tiêu dùng, xây dựng, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp đã và đang bị kéo theo trong làn sóng từ ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 lên sản xuất.
Kết quả khảo sát được thực hiện trong cuối tháng 3 và hai tuần đầu tháng 4 của CEL cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp gặp vấn đề nghiêm trọng cả về cung và cầu. Đại dịch làm suy yếu chuỗi cung ứng khi hàng tồn kho cạn kiệt nhanh chóng, cùng với sự sụt giảm nhu cầu làm đứt đoạn dòng tiền của doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trở nên đình trệ dẫn đến việc sản lượng hàng hóa xuất khẩu duy trì ở mức thấp. Qua đó, nhiều hãng tàu quốc tế đã phải bỏ chuyến ở một vài cảng của Trung Quốc do lượng hàng quá ít.
Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chịu tác động kép từ điều này, ví dụ như vải, sơ, sợi, sắt thép, đã phải chứng kiến sự sụt giảm sâu về giá trị trong hai tháng đầu năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc công suất hoạt động của mỗi mắt xích trên chuỗi giá trị đều có thể gây tác động mạnh mẽ đến phần còn lại.
Chính vậy, chuyên gia của CEL cho rằng, chỉ các công ty thích nghi tốt cùng với chuỗi cung ứng linh hoạt hay “chịu chi” sẽ là nhóm còn sống sót. Đơn cử, Biti’s nhanh chóng thay đổi danh mục sản phẩm để theo kịp xu hướng mới của thị trường, cho ra mắt dòng sản phẩm giày mới với thông điệp cổ vũ cuộc chiến chống đại dịch trong đó “không ai bị bỏ lại”.
Samsung đã phải vận chuyển bằng đường hàng không các linh kiện điện tử từ Trung Quốc sang các nhà máy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp chuyển sang phát triển các kênh bán hàng trực tuyến phục vụ “nền kinh tế ở nhà”… Bên cạnh đó, nhu cầu đột biến về giao hàng tại nhà tại thời điểm cách ly xã hội cũng kéo theo một lượng nhu cầu tuyển dụng nhân sự nhất định ở các doanh nghiệp lĩnh vực giao hàng chặng cuối.
Việc cần làm của các doanh nghiệp khi ứng phó với đại dịch bệnh COVID -19 nói riêng và các tình huống cấp bách nói chung đó là xây dựng và củng cố kế hoạch kinh doanh không gián đoạn (BCP – Business Continuity Plan) nhằm ứng phó với các tình huống rủi ro mang tính bất ngờ.
Giải pháp tài chính trong thời kỳ khủng hoảng
Ông Julien Brun cho rằng, trong các thời điểm khủng hoảng, tiền mặt dự trữ càng trở nên cực kỳ quan trọng do tính thanh khoản của chúng. Khủng hoảng đại dịch bệnh gây nên sự sụt giảm nhu cầu nghiêm trọng, kéo theo đó là sự đứt đoạn dòng tiền của doanh nghiệp và rủi ro phá sản cao. Các doanh nghiệp càng nhỏ, lượng tích lũy tiền mặt có xu hướng càng ít và không thể bằng với các tập đoàn có quy mô lớn.
Vì vậy, đảm bảo tính thanh khoản cần được ưu tiên hàng đầu, doanh nghiệp cần thiết lập một bộ phận xử lý tình huống cấp bách nhằm thực hiện các giải pháp tài chính sau đây giúp doanh nghiệp chống chọi trong giai đoạn khủng hoảng.
Cụ thể, rà soát các áp lực hàng tuần về vốn lưu động: tiền mặt, hàng tồn kho, khoản đầu tư, các khoản phải thu và phải trả trong ngắn hạn, thuế và lương. Rà soát thanh khoản và ưu tiên các khoản thanh toán. Việc này giúp doanh nghiệp tuân thủ các nghĩa vụ và duy trì hoạt động kinh doanh hay ít nhất đáp ứng việc thực hiện dịch vụ ở mức chấp nhận được đối với khách hàng cốt lõi.
Đồng thời, triển khai dự toán ngân sách “từ số 0”. Theo đó, tất cả chi phí phải được lập và dành cho một chu kỳ kinh doanh mới. Giảm thiểu rò rỉ tiền mặt (tồn kho, các loại chi phí). Rà soát từng quy trình và hoạt động gây ra sai hỏng, vật tư hay nguyên vật liệu không sử dụng đến hay sử dụng quá nhiều gây lãng phí.
Ngoài ra, thương thảo điều kiện thanh toán và các khoản nợ với đối tác và xem xét khả năng viện dẫn “sự kiện bất khả kháng” trong các hợp đồng đã ký kết. Khi ký kết hợp đồng mới, doanh nghiệp cần đánh giá các nghĩa vụ của các bên trong trường hợp phát sinh, ví dụ như tính toán về thời gian thực hiện hợp đồng. Áp dụng nghiệp vụ bao thanh toán trong thực hiện giao dịch thanh toán đơn hàng với các đối tác. Huy động nguồn vốn bổ sung thông qua đầu tư, vốn chủ sở hữu, hạn mức tín dụng mới, liên doanh,… Tìm kiếm hỗ trợ tài chính của các nhà cung cấp, khách hàng (điều khoản thanh toán, bao thanh toán ngược, ký gửi, …) cũng như tiếp cận các gói hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động.
Bên cạnh đó, chuyên gia CEL cũng cho rằng, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực liên quan đến nhu cầu cũng như nguồn cung. Những biến động thị trường cần phải được cập nhật nhanh chóng và chính xác để áp dụng vào các chiến lược hoạt động cụ thể…