Một trong trong những dấu ấn của dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” là kết quả nghiên cứu đã được tham khảo để sửa đổi Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, dự án này hỗ trợ hiệu quả trong việc hoàn thiện khung chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cơ quan đề xuất dự án, một trong những kết quả đáng ghi nhận là đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch được phê duyệt. Đặc biệt, dự án đã hoàn thành hành khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030.
Cùng đó, các dự thảo báo cáo của 3 hợp phần cũng đã hoàn tất bao gồm: Đánh giá thực trạng nhà ở xã hội của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp; xây dựng các chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam cho các nhóm đối tượng mục tiêu là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị hoặc công nhân khu công nghiệp thông qua các bài học từ kinh nghiệm quốc tế; hoàn thiện Luật Nhà ở hiện hành nhằm thúc đẩy các chính sách nhà ở xã hội được đề xuất trong dự án.
Ngoài ra, dự án đã tổ chức 2 khóa đào tạo tại Hàn Quốc và nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trong nước. Ban Quản lý dự án và các chuyên gia Hàn Quốc cũng phối hợp chặt chẽ với nhiều bộ, ngành địa phương để tìm hiểu thực trạng, cũng như hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị về nhà ở xã hội.
Một trong trong những dấu ấn của dự án là kết quả nghiên cứu đã được tham khảo để sửa đổi Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Cụ thể là việc điều chỉnh quy định dành quỹ đất trong dự án phát triển đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phát triển nhà ở xã hội; điều chỉnh cách thức chấm điểm thành cách thức bốc thăm trong trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…
Các đề xuất của nhóm tư vấn Hàn Quốc đang được tham khảo để quy định điều kiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, cách xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội… tại các thông tư hướng dẫn.
Các chuyên gia cũng nghiên cứu và đề xuất Chiến lược phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030; trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.
“Đây là tài liệu quan trọng giúp Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia dự kiến được thực hiện trong chu kỳ 10 năm, sắp tới là 2021-2030” – chuyên gia KOICA khẳng định.
Về phía Bộ Xây dựng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Hà Quang Hưng, chia sẻ dự án này phù hợp với Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã có yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới; đồng thời phù hợp với chính sách và ưu tiên sử dụng vốn ODA của Chính phủ, đóng góp trực tiếp vào xây dựng chính sách, chiến lược, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt, định hướng phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm trên cả nước.
Theo ông Hà Quang Hưng, đề xuất tổng thể của dự án sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội nói riêng, cũng như chính sách phát triển nhà ở nói chung; đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Việt Nam là nước đang có sự đô thị hóa nhanh và thu nhập của người dân cũng ngày được nâng cao, nhưng bên cạnh đó, một số đối tượng như người nghèo, người có thu nhập thấp cũng tăng lên đáng kể, trong khi đa số các nhà đầu tư bất động sản chỉ chú trọng vào phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng…
“Nếu không xây dựng được các cơ chế phù hợp để kích cầu đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá thấp… nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ đã đặt ra,” ông Hưng phân tích.
Kết quả của dự án này sẽ là căn cứ để Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng; tập trung nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị, nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2. Ngoài ra, cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ. Mặc dù kết quả đạt được thể hiện nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua nhưng vần còn thấp so với kế hoạch, mới đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở./. |
Linh Nhi