Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng luôn phải gồng mình trước nhu cầu tín dụng cao của nền kinh tế, thì trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) luôn được xem là kênh dẫn vốn hiệu quả. Tuy nhiên, đây là thị trường còn mới và đã bộc lộ những lỗ hổng trong thời gian qua, để vận hành hiệu quả thị trường, cần sự tích cực nhiều hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

0tp

Năm 2022 được xem là một năm bản lề của thị trường TPDN, nhưng lại theo một chiều hướng khá tiêu cực

Thị trường còn trầm lắng

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá, trước đó, Nghị định 153/NĐ-CP/2020 mới được thực hiện trong khoảng một năm nhưng đã bộc lộ những kẻ hở khiến chúng ta buộc phải thay thế bằng Nghị định 65/NĐ-CP/2022. Chính trong thời gian chờ đợi ban hành Nghị định mới, cùng những vụ việc phát sinh liên quan đến trái TPDN phát hành riêng lẻ bị xử lý vi phạm, thậm chí xử lý hình sự, đã khiến thị trường có sự e ngại, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm.

Chưa kể có hàng trăm nghìn tỷ đồng TPDN phát hành riêng lẻ đến hết năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ đến hạn. Chính những căng thẳng về mặt pháp lý liên quan đến các chủ thể tham gia thị trường, cũng như liên quan đến các nguồn lực tài chính hiện nay để hướng vào thị trường này đều gặp hạn chế, nên đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thị trường bị đóng băng như vừa qua.

“Hiện Nghị định 65 mới đã tạo ra khuôn khổ pháp lý mới và tất nhiên sẽ có một số thông tư hướng dẫn, bởi vì có những điều kiện ghi trong Nghị định phải được quy định cụ thể hơn trong quá trình triển khai thực hiện để làm sao vận hành tốt nhất.

Trước đây TPDN của chúng ta hay dùng thuật ngữ “3 không” – không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh, không có tài sản đảm bảo. Nhưng trong Nghị định 65 này chúng ta đã khắc phục để trở thành có, nghĩa là các điều kiện để phát hành TPDN cũng chặt chẽ hơn nhiều. Điều đó có thể khiến các doanh nghiệp phát hành trở nên khó khăn hơn”, TS. Vũ Đình Ánh nói.

Vậy quay trở lại vấn đề là liệu những quy định mới này đã đúng với thông lệ quốc tế chưa? Theo vị chuyên gia, hầu hết thị trường TPDN là một thị trường rủi ro, đặc biệt liên quan đến TPDN phát hành riêng lẻ, chủ yếu là liên quan tới quan hệ của nhà phát hành với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do đó, căn cứ quan trọng để giảm thiểu rủi ro phải là xếp hạng tín nhiệm, nhưng rất tiếc trong thời gian vừa qua, thị trường hay dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chưa đạt được tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế và niềm tin chất lượng của xếp hạng tín nhiệm đó cũng chưa cao. Trong khi nếu TPDN phát hành riêng lẻ có tín nhiệm cao, thì sẽ dễ dàng phát hành và được tiêu thụ hết, có các nhà đầu tư, đặc biệt lãi suất sẽ thấp hơn hẳn so với những TPDN được xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp hơn.

Hy vọng tích cực từ Nghị định mới

Ông Đỗ Ngọc Bảo, Phó Tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết cho rằng, năm 2022 được xem là một năm bản lề của thị trường TPDN, nhưng lại theo một chiều hướng khá tiêu cực. Vì thực tế chúng ta đã có một đợt rà soát lại thị trường, có những vi phạm khiến các cơ quan quản lý tiến tới sửa đổi Nghị định 153 và thay thế bằng Nghị định 65.

1-tp

Theo chuyên gia, điểm nổi bật nhất trong Nghị định 65 là có các quy định chặt chẽ hơn đối với nhà phát hành TPDN riêng lẻ.

Một trong những yếu tố khá quan trọng và thay đổi lớn so với Nghị định 153 là liên quan đến mục đích sử dụng vốn. Mục này trong Nghị định 65 là phần tương đối mở, có thể có nhiều mục đích như đầu tư phát triển dự án, đảo nợ, hay cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp. Nhưng điểm quan trọng là mục đích này phải được truyền thông một cách đầy đủ đến nhà đầu tư trái phiếu.

“Về cơ bản, tinh thần của Nghị định 65 là kiểm soát chặt chẽ hơn mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp, đặt yêu cầu cao hơn đối với quá trình công bố thông tin và truyền thông các đợt phát hành trái phiếu, đồng thời gia tăng đơn vị giám sát hoạt động của các doanh nghiệp phát hành”, ông Bảo nhấn mạnh.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, điểm nổi bật nhất trong Nghị định 65 là có các quy định chặt chẽ hơn đối với nhà phát hành TPDN riêng lẻ. Đơn cử chúng ta yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, có xếp hạng tín nhiệm và hệ thống bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh phát hành, thậm chí quy định cụ thể về hệ thống phân phối.

“Bên cạnh đó, chúng ta cũng quy định các điều kiện liên quan đến những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nếu trước đây, mệnh giá tối thiểu của TPDN phát hành riêng lẻ chỉ có 100.000 đồng, nhưng lần này giá trị đã tăng 1000 lần lên tới 100 triệu đồng. Như vậy, để tiếp cận với TPDN phát hành riêng lẻ cần phải có những nhà đầu tư chuyên nghiệp thực sự. Chắc chắn chúng ta sẽ phải có quy định cụ thể ,chi tiết hơn nhất là về mối quan hệ giữa nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhà đầu tư nhỏ lẻ mà chúng ta gọi là thứ cấp”, Ông Ánh khẳng định.

Về mặt tác động của Nghị định 65 đến thị trường TPDN, vị chuyên gia phân tích sẽ có một số điểm như, sự ổn định về tâm lý khi Nghị định mới cho thấy khả năng tiệm cận hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Mặc dù về mặt pháp lý, chúng ta vẫn chưa xử lý được mấy điểm, đó là một là mối quan hệ giữa các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với nhà đầu tư. Bởi vì điều kiện chặt hơn sẽ làm cho việc phát hành TPDN riêng lẻ trở nên khó thực hiện hơn, theo nhu cầu mong muốn của nhà phát hành.

Đáng chú ý trong thời gian vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã đếm hạn thanh toán, vì họ phát hành có thời hạn rất ngắn, thường khoảng 3 năm, nên đến nay họ sẽ phải thanh toán cả gốc và lãi. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang thắt chặt, lãi suất có xu hướng tăng cao có thể sẽ gây ra những khó khăn nhất định khi thị trường chưa thể phục hồi một cách chắc chắn.

“Có thể nói, chúng ta phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước mắt, để giúp cho những nhà phát hành – không phải tất cả họ đều có sai phạm, vẫn có những nhà phát hành TPDN chân chính, họ có thể thanh toán các TPDN riêng lẻ đã phát hành. Đồng thời tiếp tục phát hành mới và có thêm những nhà phát hành khác nữa, nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường.

Tôi cho rằng, việc hiện nay chúng ta vẫn đang xử lý các vấn đề, thì từ nay đến cuối năm 2022 và quý 1/2023, thị trường TPDN riêng lẻ sẽ tiếp tục gặp khó khăn nhất định. Hy vọng các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp phù hợp, lành mạnh hóa lại thị trường. Khi Nghị định 65 bắt đầu phát huy tác dụng thì thị trường sẽ phục hồi, phát triển trở lại, tuy nhiên sẽ không “nóng” như chúng ta đã chứng kiến trong năm 2021, mà sẽ dần dần, chắc chắn và bền vững hơn.

Đặc biệt, vai trò về hoạch định chính sách, thanh tra giám sát, để đảm bảo sự ổn định lành mạnh của thị trường TPDN từ phía các cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò then chốt trong vấn đề phục hồi niềm tin từ cả hai phía là nhà phát hành và nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, có thể một vài năm tới, chúng ta sẽ có những sửa đổi nhất định đối với khuôn khổ pháp lý, đi theo đúng thông lệ quốc tế và thu hút được các nhà đầu tư mà chúng ta nhấn mạnh đó là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, với các mức độ rủi ro khác nhau, đa dạng hóa các loại trái phiếu phát hành riêng lẻ. Có như vậy, thị trường mới phát huy đúng vai trò, tác dụng đối với nền kinh tế, cũng như hệ thống tài chính nói chung”, ông Ánh khẳng định.

Diễm Ngọc