Mùa vải đã gần kề, mà dịch COVID – 19 vẫn chưa biết bao giờ mới được khống chế, khiến người trồng vải Hải Dương đứng ngồi không yên.
Vải thiều Thanh Hà là một trong những đặc sản nông sản của đất Hải Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung. Như thông lệ hàng năm thì chỉ còn gần 20 ngày nữa là mùa vải sẽ nở rộ. Nhưng dịch bệnh COVID–19 đang đặt ra bài toán khó cho người trồng vải lẫn chính quyền địa phương.
Kịch bản xuất khẩu trước nguy cơ “đổ bể”
Sau nhiều năm trăn trở tìm hướng đi và khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường Việt Nam và thế giới, Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 23 mã vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Nhật Bản với tổng diện tích 198,7 ha tại huyện Thanh Hà và TP Chí Linh theo kế hoạch số 1010/KH-UBND về việc mở rộng vùng sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản năm 2020.
Mục tiêu của tỉnh Hải Dương là xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo thành các vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Các vùng sản xuất làm nơi tham quan, học tập kinh nghiệm, mở rộng để sản xuất đại trà…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho người sản xuất để phòng trừ sâu bệnh cho vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế. Các đơn vị xuất nhập khẩu vải, nhãn tổ chức giám sát các vùng nguyên liệu, kết nối các vùng trồng bảo đảm tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, với một kịch bản đẹp chờ cho Thanh Hà và Chí Linh có thể “sang trang” mới thì COVID–19 ập đến. Viễn cảnh “xuất ngoại” chắc chắn còn rất mơ hồ.
Liệu có phải “giải cứu”?
Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà, thời gian giãn cách xã hội trong chiến dịch phòng chống COVID – 19 là thời gian rất quan trọng, nó quyết định đến thành công đẩy lùi dịch bệnh của cả nước nhưng đây là thời điểm quan trọng quyết định năng suất, chất lượng vải thiều nên huyện Thanh Hà tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc cây vải đúng quy trình, nâng cao chất lượng quả. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền hướng dẫn các ngành nghề và nông sản khác cùng nỗ lực quyết tâm trong những ngày gian khó này.
Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương đã tiến hành khảo sát thị trường, nhằm tìm kiếm thêm và đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường trong nước, nhất là các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía nam. Ngoài ra cũng đang tăng cường tìm hiểu, kết nối đưa vải thiều Thanh Hà vào chuỗi các siêu thị.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, sản lượng vải của tỉnh Hải Dương năm nay dự kiến đạt 45.000 tấn (tăng 20.000 tấn so năm 2019). Trà vải sớm đạt khoảng 20.000 tấn, vải thiều đạt khoảng 25.000 tấn.
Sở đang phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh và sản phẩm để đạt mức tiêu thụ tối đa sản phẩm vải thiều.
Tuy nhiên, việc tìm hướng xuất ngoại cho vải thiều hoặc thúc đẩy cầu vẫn chỉ là giải pháp thụ động, chỉ cần một biến động xảy ra lập tức số phận của vải thiều lại bị động và loay hoay tìm giải pháp.
Theo bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao: “Chúng ta nên ngưng “giải cứu”, mà cần có giải pháp đi sâu vào chế biến. Vải thiều có một mùa thì cần tìm cách để chế biến vải thiều để quả vải “không chỉ có một mùa” nữa. Muốn vậy, cần nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm”.