Cầu tiêu dùng trong nước tuy đã dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu.
Cầu tiêu dùng là một trong những hai động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2024 vừa được công bố, Ngân hàng Thế giới nhận định, doanh số bán lẻ tăng 1,1% so với con số -0,3% trong tháng trước đó nhờ doanh số bán lẻ hàng hóa được cải thiện.
Cụ thể, doanh số bán hàng hóa (chiếm khoảng 80% tổng doanh số bán lẻ) trong tháng 5 tăng trưởng 1,2% so với mức 0,5% trong tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tăng 3,3% trong khi tháng 5 năm 2023 ghi nhận mức tăng 8,1% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2022, phản ánh cầu tiêu dùng yếu kéo dài.
Đây cũng là một trong những nhận định được đề cập tại Báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam 2024 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện. Theo nhóm nghiên cứu, dù tổng cầu đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tiêu dùng tăng trưởng chậm, tính chung 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,2% trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%.
Bên cạnh đó, du lịch tăng trưởng khá nhưng chưa tốt như dự báo; mức tăng vốn đầu tư toàn xã hội không cao. Trong nửa cuối năm 2024, tỷ giá rủi ro tăng được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cầu tiêu dùng yếu phản ánh niềm tin của người dân chưa cải thiện. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tính toán khi đầu tư số tiền lớn cho các khoản mua sắm có giá trị.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, Ngân hàng Thế giới cho rằng, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ, song trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư; nới lỏng các rào cản trong kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ cho các doanh nghiệp năng động và phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Trong khi đó, hàm ý chính sách được VEPR tập trung cho các giải pháp ngắn hạn và trung – dài hạn. Cụ thể, các chuyên gia của VEPR cho rằng, trong ngắn hạn cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm chính sách tài khóa với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ; tập trung đẩy mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm 2024.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng có thể gia hạn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời kỳ Covid-19 cho giai đoạn 2024 – 2025 nhằm thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng tín dụng. Đó là xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân; xem xét kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% hiện hành đến hết năm 2024, thậm chí, nếu tăng trưởng GDP năm 2024 không đạt mục tiêu, tổng cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng, có thể nghiên cứu kéo chính sách này đến tháng 6/2025.
Về chính sách tiền tệ trọng tâm hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên kiểm soát tỷ giá, củng cố tâm lý thị trường thông qua trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin.
Trong trung và dài hạn, VERP cho rằng cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa các-bon, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh; công nghệ xanh, thân thiện môi trường… Thúc đẩy thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ làm căn cứ cho các quỹ có thể bảo lãnh tín chấp…
Hạnh Lê