Ông Eto Hiroshi, Phó Giám đốc VP Xúc tiến Sáng tạo Doanh nghiệp mới, Cục Chính sách Kinh tế và Công nghiệp, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản – METI, cho biết ở Nhật Bản, sandbox không giới hạn lĩnh vực, đối tượng và thời gian áp dụng. Sandbox cũng cho phép sử dụng các thông tin và dữ liệu thu được từ thử nghiệm để rà soát qui định, giúp cải cách chính sách của nước nhà.

Sandbox cải cách chính sách

Ngoài sandbox, nước Nhật còn áp dụng chế độ đặc biệt cho hoạt động kinh doanh mới, từ đó đề xuất biện pháp kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh. Trường hợp startup sản xuất xe trượt scooter điện là một minh chứng.
Theo Luật Phương tiện giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường bộ, xe trượt scooter điện thuộc danh mục “xe gắn máy”. Khi chạy xe, người lái phải giữ tốc độ 30km/h trở xuống, chỉ có thể lái trên đường xe chạy, phải đội mũ bảo hiểm, có giấy phép lái xe.

Sau khi được phê duyệt áp dụng chế độ sandbox, một phần khuôn viên trường đại học đã được bố trí làm một con đường tư nhân cho thử nghiệm chạy xe trượt scooter điện (từ tháng 12/2019 – tháng 4/2020). Kết thúc thời gian chạy thử nghiệm, biện pháp kiểm soát đặc biệt mới đã được thiết lập bằng cách sử dụng “chế độ đặc biệt cho hoạt động kinh doanh mới”.

Theo đó, biện pháp đặc biệt 1 (từ tháng 9/2020) sẽ giới hạn tốc độ tối đa là 20km/h trở xuống, có thể sử dụng tại làn đường dành cho xe đạp thông thường. Biện pháp đặc biệt lần 2 (từ tháng 4/2021) sẽ giới hạn tốc độ tối đa 15km/h trở xuống, được sử dụng ở làn đường dành cho xe đạp thông thường và dành cho xe đạp, bắt buộc đội mũ bảo hiểm…

Khoảng thời gian này, Nhật Bản có tới 9 đơn vị cung cấp dịch vụ chia sẻ xe trượt scooter điện đang hoạt động kinh doanh trên đường công cộng bằng việc áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt.

Tạo ra thị trường mới

Rõ ràng, việc áp dụng sandbox và chế độ đặc biệt cho hoạt động kinh doanh mới góp phần làm thay đổi những qui định về luật pháp. Không những vậy, một số lĩnh vực mà sandbox đang được áp dụng nhiều đã giúp startup tạo ra thị trường mới. Cụ thể như fintech (blockchain, tài sản ảo, Insurtech), mobility (xe trượt scooter điện, xe máy Hybrid trên đường công cộng), IoT (IoT kết hợp đồ điện gia dụng, tái chế, bất động sản)…

Tuy nhiên, ông Eto Hiroshi nhấn mạnh rằng, việc đáp ứng qui định hiện hành là một vấn đề quan trọng đối với các startup đang thử thách với những hoạt động kinh doanh mới.

Trước tình hình đó, đội đặc nhiệm được thành lập để hỗ trợ pháp lý cho việc tạo ra thị trường mới dành cho startup với sự hỗ trợ bởi các luật sư tuyến đầu. Theo định kỳ, đội đặc nhiệm sẽ đánh giá dự án, đưa ra đề xuất cải cách qui định bằng kinh nghiệm tích lũy thông qua đánh giá…

Cùng với việc thành lập đội đặc nhiệm, các tổ chức liên quan đến khởi nghiệp sẽ tổ chức các buổi họp mặt cộng đồng hỗ trợ. Các khách mời tham dự sẽ trao đổi ý kiến về các biện pháp để startup nỗ lực cải cách qui định, và xây dựng qui tắc, cũng như xây dựng hệ thống hỗ trợ bằng việc thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức…

Thanh Hương