Cần phải tạo mọi điều kiện để việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở này được thực hiện một cách nhanh chóng là điều ai cũng mong muốn.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết giáo sư Trần Văn Thọ và ông Trần Ngọc Phúc – tác giả phát minh ra máy trợ thở cho trẻ sinh non ở Nhật Bản tuyên bố sẽ hỗ trợ sản xuất tại Hà Nội và TP.HCM 2.000 chiếc máy trợ thở. Đồng thời, hai người sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước sản xuất máy trợ thở.
Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông đã hướng về quê nhà và có những tư vấn riêng cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ông khẳng định, “trong tình hình dịch bệnh này tôi đã đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chuẩn bị đối phó ngay tình huống dịch bệnh lây lan nhanh kéo theo hiện tượng gọi là sự sụp đổ của hệ thống y tế (medical collapse)”.
Về thực hiện, ông khuyên Chính phủ chuẩn bị cho sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, bổ sung cho số thiếu hụt hiên tại và sản xuất một số lượng dự phòng. “Việt Nam trước mắt cần sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở, rồi sau đó sẽ tăng lên 10.000 chiếc trong vòng 3 tháng tới…. Trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này nên song song với đáp ứng nhu cầu trong nước có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế” – Giáo sư Trần Văn Thọ nói.
Được biết, máy trợ thở này là do Giáo sư Trần Ngọc Phúc – người sáng chế, đồng thời là người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh đường hô hấp có tiếng từ lâu tại Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp.
Trước đó, năm 1982, Giáo sư Trần Ngọc Phúc phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Hummingbird vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức. Chiếc máy này được đánh giá là chiếc máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh tốt nhất thời điểm đó.
Có thể thấy, một trong những thách thức lớn nhất mà các nhân viên y tế toàn thế giới đang phải đối mặt giữa đại dịch COVID-19 lúc này là làm sao cứu được nhiều sinh mạng nhất, trong khi số người cần được chăm sóc tích cực tại một số nơi đã vượt quá năng lực hạ tầng y tế.
Trong cuộc chiến chống virus corona, máy thở là thiết bị y tế tối cần thiết để cứu sống những người bệnh đã ở giai đoạn hai lá phổi bị virus tấn công, tàn phá nghiêm trọng. Một số liệu đăng trên tạp chí y khoa JAMA ngày 19/3 cho thấy, có tới 71% người bệnh COVID-19 khi vào tới phòng hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Evergreen ở Washington sẽ phải thở máy.
Trong bối cảnh các thiết bị vật tư y tế của Việt Nam không phải dồi dào, cũng chưa phải là nước có thế mạnh về y tế nên những lo ngại về sự quá tải y tế luôn hiện hữu. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hiện Hà Nội chỉ có 260 máy thở, số máy này đang sử dụng cho các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện khác. Nguồn cung đang bị hạn chế, thành phố chỉ có thể mua thêm vài chục đến 100 cái máy trợ thở.
Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, thống kê cho thấy đến nay các bệnh viện và dự trữ quốc gia có gần 4.000 máy thở. Tuy nhiên, con số dự trữ này sẽ không thấm là gì nếu trường hợp xấu như “vỡ trận” giống Ý, Tây Ban Nha hoặc Vũ Hán…v.v… Thế nên, việc dự trữ thiết bị y tế, trong đó có máy trợ thở để phục vụ các tình huống gia tăng bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ tử vong là rất cần thiết.
Theo đó, thông tin phát ra từ Thủ tướng và tấm lòng hướng về quê hương (cam kết sẽ chuyển giao sản xuất thiết bị máy trợ thở cho Việt Nam) trong cơn dịch họa của Giáo sư Trần Văn Thọ và Trần Ngọc Phúc là một tin không thể nào vui hơn, vì đó là công nghệ do người Việt phát minh, dù họ ở nước ngoài sáng chế.
Và trong thời điểm quyết định để đánh “giặc dịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo việc thiết kế và dự toán để sẵn sàng xây dựng các bệnh viện dã chiến khi cần thiết cũng như chương trình sản xuất máy trợ thở trong nước.
Chính vì vậy, cần phải tạo mọi điều kiện để việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở này được thực hiện một cách nhanh chóng là điều ai cũng mong muốn. Nếu thành công, chúng ta vừa có thêm “vũ khí” để chiến đấu với giặc dịch”, vừa có thể phát triển thêm ngành công nghiệp sản xuất máy y tế để cung cấp cho các nước có nhu cầu.