Thủ tướng điện đàm phối hợp chống dịch với thủ tướng Lào, Campuchia.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen về việc phối hợp ứng phó COVID-19, chiều 26/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo Chính phủ Việt Nam quyết định hỗ trợ Lào và Campuchia những trang thiết bị y tế cần thiết để chống COVID-19, trị giá 100.000 USD mỗi nước.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam sẽ hỗ trợ cho các đối tác hai nước. Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia y tế sang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, nếu lãnh đạo hai nước yêu cầu.

Đáp lại, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đều bày tỏ chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chia sẻ, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho mỗi nước; khẳng định đây là món quà vô cùng ý nghĩa trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều thay đổi phức tạp. Ngày 23/3, Campuchia ghi nhận 86 ca dương tính với nCoV, chưa có người tử vong. Riêng ngày 19/3, nước này phát hiện 10 ca. Phần lớn bệnh nhân từng tham dự sự kiện tôn giáo Ijtima Tabligh tại thánh đường Sri Petaling, ngoại ô thành phố Kuala Lumpur, Malaysia.

Đến ngày 24/3, Lào ghi nhận 02 ca nhiễm nCoV đầu tiên là nhân viên khách sạn và hướng dẫn viên du lịch, chính thức đưa Đông Nam Á  vào cuộc chiến chống dịch. Đây cũng là thời điểm Việt Nam chính thức bước vào thời chiến với “giặc dịch” COVID-19 với nhiều quyết sách “chưa từng có tiền lệ” được nhân dân ủng hộ.

Vượt lên trên tất cả, từ cuộc điện đàm và quyết định hỗ trợ Lào và Campuchia những trang thiết bị y tế cần thiết trị giá 100.000 USD mỗi nước, cùng với các chuyên gia… để chống COVID-19 cho thấy đất nước con người Việt Nam nghĩa tình đến nhường nào.

Hẳn chúng ta chắc chắn vẫn còn nhớ hình ảnh người Hàn Quốc ném trứng vào Bộ trưởng Bộ Nội Vụ nước này hay hình ảnh hàng chục chiếc máy kéo xếp hàng dài ở cao tốc để phản đối quyết định đưa hàng trăm người Hàn Quốc từ Trung Quốc về hai thành phố Asan và Jincheon để tránh dịch.

Câu chuyện ấy đã kết thúc cách đây gần hai tháng và nó diễn ra tưởng như ở một nơi rất xa, nhưng viễn cảnh của nó không diễn ra ở đất nước nhỏ bé hình chữ S này. Bởi Việt Nam có một Chính phủ vì dân, vì nghĩa đồng bào, bởi con người Việt Nam nghĩa tình, đoàn kết.

Nước ta đã lường trước ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng chúng ta vẫn cử các tàu bay đón các du học sinh, người lao động trở về nước mặc dù biết rằng có thể họ có thể mang bệnh. Trong tình cảnh nước bạn gặp khó, đồng bào ở xa xứ bơ vơ, những chuyến bay đi thẳng đến các tâm bão đại dịch ấy, đã cứu vớt biết bao nhiêu trái tim lạc lõng và khẳng định với gần trăm triệu người dân trong nước rằng: “Đồng bào cần thì chúng tôi có.”

Hay chính như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: “Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”.

Hoặc, Việt Nam tuyên bố rõ ràng rằng, sẽ chữa bệnh miễn phí cho toàn bộ những người mang quốc tịch Việt Nam bị nhiễm, chi phí cách ly, chi phí xét nghiệm thì sẽ miễn phí cho cả người nước ngoài lẫn người Việt, hỗ trợ chi phí di chuyển từ nước ngoài về Việt Nam thông qua những chuyến bay rỗng chiều đi.

Điều này, có lẽ 100.000 USD sẽ chẳng bao giờ là đủ và đừng lấy đồng tiền ra so sánh ở lằn ranh giữa sống và chết, ở quốc gia nào đó, người ta có thể đem tiền ra đong đếm, còn ở Việt Nam thì không..v..v.

Vâng! Ai cũng biết Việt Nam chưa phải là nước giàu. Việt Nam chưa phải là nước có nền y học tiên tiến với những thiết bị y tế hiện đại. Nhưng những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm, và làm một cách vô tư, thiện tâm để cứu từng mạng người trong cơn hoạn nạn của đại dịch COVID-19 bất kể họ là ai – không phân biệt quốc tịch, màu da, giàu nghèo, cho đến tinh thần tương trợ cho hai nước láng giềng Lào – Campuchia mới đây, chắc chắn sẽ làm cho thế giới, nhất là những nước giàu có, những nước có nền y học hiện đại cũng phải ngẫm suy.

Với tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy, Việt Nam đã và đang trở thành một điểm sáng giữa thế giới vốn đang mang nhiều màu tối của đại dịch. Nó góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, cùng nhau chống dịch, cùng nhau chia sẻ, chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Chắc rằng, trong cơn hoạn nạn này, người ta mới nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, không đo bằng độ giàu nghèo của quốc gia, mà được đo bằng tình thương yêu con người, bằng trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại.