baochinhphu1_1280x720-800-resize

Các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiên triển nặng

Mới đây, các nhà nghiên cứu quốc tế đã tiến hành quan sát một số thử nghiệm trên 2 nhóm người được phơi nhiễm với virus để đánh giá tác động của vaccine lên biến chủng Delta. Trong một nhóm, chỉ có 20% số người đã được tiêm chủng đầy đủ, tương đương với một số quận của Hoa Kỳ có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Nhóm còn lại là những người đã được tiêm phòng đầy đủ chiếm số lượng lớn hơn.

Kết quả thu được cho thấy, trong nhóm có số ít người được tiêm chủng, những người đã được tiêm chủng hầu như không bị nhiễm virus. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm bệnh và tiến triển bệnh nặng nhiều hơn. Trong khi đó, trong nhóm được tiêm chủng đầy đủ, có khả năng chỉ một người đã được tiêm phòng có nguy cơ phải nhập viện do nhiễm bệnh.

Có thể thấy, biến thể Delta là phiên bản dễ lây lan nhất của virus gây bệnh COVID-19. Chỉ trong vài tuần, nó đã trở thành chủng phổ biến nhất ở nhiều quốc gia và chiếm phần lớn các ca nhiễm trên toàn cầu. Thậm chí, những người đã bị nhiễm COVID-19 trước đó cũng có nguy cơ tái nhiễm do chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Tuy vậy, kết quả của nghiên cứu trên cho thấy, mặc dù các loại vaccine COVID-19 đã được cấp phép dù có phần giảm hiệu quả đối với biến thể Delta, nhưng chúng vẫn có thể bảo vệ con người khỏi các diễn biến nghiêm trọng của bệnh, điều này cũng đồng nghĩa với việc góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống y tế công cộng.

Tiến sĩ Carl Fichtenbaum, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Đại học Y khoa Cincinnati phân tích: trên thực tế, làn sóng lây nhiễm mới nhất ở Vương quốc Anh cho thấy rõ nhất hiệu quả thực tế của vaccine. Trong khi các ca nhiễm mới biến chủng Delta tăng vọt, số ca nhập viện hoặc phải chăm sóc đặc biệt chỉ bằng một phần nhỏ so với những đợt bùng phát trước đó.

vaccine-my-mass-afp-edited-4407-1628855143

Một điểm tiêm chủng tại bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP

“Vaccine đang làm đúng nhiệm vụ của nó là ngăn nguy cơ nhập viện, bệnh nặng và tử vong. Số lượng kháng thể được tạo ra ở những người được tiêm chủng vẫn đủ nhiều để liên kết với protein gai và ngăn chặn virus. Điều này thực sự khiến người dân yên tâm rằng tỷ lệ tiêm chủng và khả năng miễn dịch tự nhiên có thể giúp mọi người mắc bệnh nhẹ hơn trong đợt bùng phát do biến thể Delta”, ông Fichtenbaum nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo,  mỗi người cần tiêm đủ hai liều mới có thể chống đỡ được với biến chủng mới, vì các kháng thể trung hòa không hoạt động hiệu quả sau liều đầu tiên và cơ thể cần một lượng kháng thể cao hơn với biến chủng Delta.

Tiến sĩ Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết, hai liều vaccine sẽ kích hoạt các kháng thể trung hòa lên mức cao hơn, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn. “Liều thứ hai cung cấp sự bảo vệ đến mức tối ưu, tăng số lượng hai loại “vũ khí” khác của hệ thống miễn dịch. Trong khi liều đầu tiên chỉ tạo ra mức kháng thể dưới ngưỡng tối thiểu, không đủ để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm virus”, chuyên gia này chỉ ra.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhiều lần nhấn mạnh, vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch COVID-19. Với biến chủng có khả năng lây lan nhanh như biến chủng Delta thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt mức độ 85% trở lên mới giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh. Chính vì vậy, người dân được tiêm vaccine sớm sẽ bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp, các quốc gia có thể nhanh chóng làm giảm số ca nhiễm để quay về trạng thái bình thường mới.

Cẩm Anh