Chuyển tới nội dung

Hiệu quả từ chủ trương phát triển ngành nghề kinh tế nông thôn

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề kinh tế nông thôn, cả nước hiện đã có 817.000 tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn, tăng 14% so với năm 2017, góp phần quan trọng trong phát triển nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn, nâng cao đời sống của người nông dân.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT). Kết quả nêu trên cũng góp phần tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm cho hơn 2,3 triệu lao động, doanh thu tăng 40.000 tỷ đồng.

nnnthdh

(Hình minh họa) 

Trên thực tế, từ chủ trương phát triển ngành nghề kinh tế nông thôn đã hình thành lên hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua đó tăng thêm thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong thời gian qua.

Với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ và đa dạng hơn nữa những kết quả nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tiếp theo cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định. Trong xu hướng phát triển của xã hội thì phát triển làng nghề không thể tách rời với phát triển du lịch và là mối quan hệ tương hỗ giúp tăng nguồn thu cho các làng nghề. Kể cả những làng nghề không có địa điểm du lịch vẫn có thể tiêu thụ được các sản phẩm mình làm ra ở những điểm du lịch, qua đó vừa bảo tồn được nghề, vừa tạo thu nhập cho người dân làng nghề. Đồng thời, để ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, việc xây dựng chuỗi giá trị với yếu tố doanh nghiệp làm then chốt liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình cũng cần được chú ý đặc biệt.

Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục phát triển ngành nghề nông thôn, là tạo điều kiện mặt bằng về đất đai để xây dựng một số trung tâm bảo tồn, phát triển sáng tạo các ngành nghề thủ công chủ lực của Việt Nam, theo hướng xã hội hóa nhà nước và nhân dân cùng làm tại một số địa phương có ngành phát triển mạnh với chức năng là trung tâm thiết kế sáng tạo, tạo sự thu hút các nguồn lực trong doanh nghiệp, trong các hợp tác xã và người dân.

Trên thực tế,  theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT cũng đã và đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển nghề nghiệp nông thôn, hình thành được một số trung tâm bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn ở những vùng có lợi thế để tập hợp sức sáng tạo, tập hợp nguồn lực và tập hợp các nghệ nhân để thành những Trung tâm như: Bảo tồn về ngành nghề gốm, mây tre, dệt thêu để quy tụ, đồng thời là nơi nghiên cứu sáng tạo ra các mẫu mã mới, đồng thời cũng là địa điểm xúc tiến thương mại, đẩy mạnh việc phát triển thị trường trong nước và quốc tế, tập hợp giao lưu được với nhiều nghệ nhân của thế giới. Hiện nay nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã sẵn sàng kế hoạch lập một số trung tâm, chỉ cần Chính phủ có chính sách hỗ trợ về đất đai để tiếp tục phát triển ngành nghề nông thôn.

 

Quốc Cường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved