Trong diễn biến đại dịch COVID-19 tiếp tục căng thẳng, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trầm trọng, ngay cả các nước đã từng có nhu cầu nhập khẩu mạnh cũng siết chặt chính sách nhập khẩu, tăng cường các biện pháp bảo hộ sản phẩm nội tại. Hiện tượng Việt Nam vẫn tăng trưởng xuất khẩu đã khẳng định những chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ đến thời điểm này vẫn đạt nhiều hiệu quả rất thiết thực.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, kể từ đầu năm 2020 (cũng là thời điểm đại dịch bùng phát) đến hết tháng 11/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 254,93 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,05 tỷ USD, tăng 1,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,88 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019. Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%.
Cụ thể như mặt hàng điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 46,9 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, Kế đó là các điện tử, máy tính và linh kiện đạt 40,2 tỷ USD, tăng 24,3%. Hàng dệt may đạt 26,7 tỷ USD, giảm 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23,9 tỷ USD, tăng 44,5%; giày dép đạt 14,9 tỷ USD, giảm 9,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,1%. Ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có kim ngạch giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019, các nhóm hàng khác đều đạt mức tăng trưởng khả quan như xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản đạt 2,22 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn cũng có một số sản phẩm nông sản xuất khẩu gặp khó khăn xuất khẩu như rau quả giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019; cà phê giảm 30%; chè giảm 9,4%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 0,4%… Đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trước những kết quả khả quan trong xuất khẩu của Việt Nam bất chấp đại dịch cũng như gián đoạn giao thương kinh tế toàn cầu, đại diện Bộ Công Thương cũng đã đưa ra một số nhận định.
Thời gian qua hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA là một trong những yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa. Trong đó cũng phải nhắc đến là nhiều quyết sách cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Mới đây nhất, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức được ký kết, sẽ tiếp tục mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu với hơn 2,2 tỷ dân và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, căn cứ trên diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, để sản lượng và giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt đúng mục tiêu đề ra, trong tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ phải bám sát diễn biến của đại dịch để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xác định các chủng loại hàng hóa phù hợp với các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. Chỉ đạo các đơn vị tập trung khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng, thúc đẩy và đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu cũng như tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định trong các FTA. Đồng thời đóng góp ý kiến xây dựng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Quốc Cường