Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tác động lớn đến chuỗi cung ứng một số ngành: điện tử, sản xuất ô tô, dệt, may mặc… giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.
Chiều 10/11, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia – NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Konrad – Adenauer – Stiftung Việt Nam (Viện KAS) tổ chức Hội thảo: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) định hình các chuỗi cung ứng ở Việt Nam như thế nào?. Đồng thời, công bố báo cáo “Ảnh hướng của Hiệp định RCEP tới định hình chuỗi cung ứng ở Việt Nam”.
Theo đó, tại Hội thảo, TS Trần Toàn Thắng – Trưởng ban, Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp – Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cho rằng: RCEP có vai trò quan trọng trong định hình các chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam đã diễn ra từ trước nhờ các FTA song phương hoặc trong khung khổ ASEAN+6 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ RCEP. Dòng vốn FDI của Việt Nam cũng được kỳ vọng tăng lên khi các nhà đầu tư lớn trong khu vực đẩy mạnh chuyên môn hoá để phát triển chuỗi cung ứng.
RCEP cũng tác động lớn đến chuỗi cung ứng ngành điện tử, chuỗi cung ứng ngành sản xuất ô tô, chuỗi cung ứng ngành dệt, may mặc ở Việt Nam. Trong đó, với lĩnh vực điện tử, TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, các nước RCEP là đối tác cung cấp bộ phận, linh kiện điện tử lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 66% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này, nhờ vai trò của Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù khối lượng xuất khẩu là lớn, Việt Nam vẫn chỉ giới hạn ở vai trò là nhà tích hợp thành liên kiện hoặc tích hợp tác linh liện thành phẩm cuối cùng.
Còn theo nhận định của Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thúy Hương, nhiều tập đoàn, nhà cung ứng công nghệ hàng đầu trên thế giới như Apple, Foxconn… đang xem xét đặt chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam. Điều này mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, tham gia trong chuỗi cung ứng với hàm lượng và giá trị cao hơn. Do đó, ngành điện tử Việt Nam cần có những chính sách, sự đột phá để thích nghi sự thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về sản xuất và vận hành tinh gọn của thị trường nhằm giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, phát triển bền vững bằng việc cập nhật những xu hướng, công nghệ tiên tiến và giải pháp sản xuất thông minh.
Ts Nguyên Toàn Thắng thông tin thêm, cần khuyến khích xuất khẩu của doanh nghiệp Việt với các đối tác trong RCEP với những ngành thuận lợi nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu, tăng tích lũy và chuyển dần lên phân khúc giá trị gia tăng cao hơn của thị trường.
Được biết, Hiệp định RCEP được ký năm 2020 giữa ASEAN với 5 nước đối tác, bao gồm: Australia, New Zealand, Trung quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất, bao trùm 30% GDP toàn cầu.
RCEP được xây dựng dựa trên các cam kết đã có trong khuôn khổ các FTA trước đây của ASEAN với các nước đối tác kể trên (ASEAN+6). RCEP sẽ xóa bỏ khoảng 90% số dòng thuế trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, tốc độ cắt giảm ở các nhóm ngành khá khác nhau. RCEP cũng bao gồm nhiều cam kết về thuận lợi hóa thương mại như: đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan, giải quyết tranh chấp thương mại. Ngoài ra, còn nhiều cam kết liên quan đến đầu tư, mở cửa thị trường và bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ…
Mai Anh