Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đóng góp tích cực cho thành tích xuất khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện Việt Nam đã tham gia tổng cộng là 15 FTA, như với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc…
Kết quả cho thấy, 8 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng trên 17%.
Với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 32 tỷ USD, tăng tới 24%. Đặc biệt, xuất siêu sang EU ước đạt tới 21,6 tỷ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng sau 2 năm thực thi Hiệp định.
Không chỉ 8 tháng đầu năm mà theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.
“Hiệp định này có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, vì EU là đối tác lớn và chúng ta đã có quá trình lâu năm. EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam trong đó có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo. Bên cạnh đó, thị trường EU cũng là một thị trường đa dạng và cả các sản phẩm công nghiệp cũng được tiêu thụ lớn” – ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều FTA đã được tận dụng tương đối thành công. Đơn cử, sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ năm 2019, xuất khẩu tôm Việt sang Canada liên tục tăng. Theo đó, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Canada đạt 187 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019; năm 2021 tăng 18% so với năm 2019, đạt 180 triệu USD. Tính tới tháng 5 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất như Công ty Minh Phu Seafood Corp , Minh Phu-Hau Giang, Stapimex, Vina Cleanfood, Cuu Long Seapro…”, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ.
Nhận định về các kết quả khả quan trên, Bộ Công thương cho rằng đó là do các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội thị trường và thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Việt Nam ký hợp tác FTA song phương và đa phương với nhiều đối tác, từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa. Mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao, chiếm 96% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Ngành này tận dụng được ưu đãi thuế quan nhờ tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam.
Ưu đãi FTA cũng được các doanh nghiệp ngành nông – lâm – thủy sản tận dụng tốt. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định: “Hiện tại nhu cầu gỗ và đồ nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý 3/2022, thậm chí là hết năm 2022. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu ngành gỗ đạt 16 tỉ USD là hoàn toàn có thể thực hiện được”. Theo ông Lập, hàng loạt FTA đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%. Bên cạnh đó, Trung Quốc – nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới lại hạn chế xuất khẩu để chống dịch Covid-19; Ý, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao… Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), nhận xét: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP) là một FTA thế hệ mới đã tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu “đầu vào” vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay. Đơn cử, Nhật Bản là một thị trường tiềm năng, nếu như trước đây, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản (trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc), thì nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Tuấn Minh