Là động lực tăng trưởng của thế giới, các công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ của châu Á – Thái Bình Dương đang tận dụng những sáng tạo và dịch vụ ngành dọc mới để mở ra lối đi cho lĩnh vực số.
KPMG và HSBC vừa công bố báo cáo Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá các doanh nghiệp hoạt động trong mảng kinh tế mới trong khu vực có tiềm năng mạnh mẽ tác động lên bối cảnh kinh doanh toàn cầu trong một thập kỷ tới.
Báo cáo nghiên cứu trên 6.472 công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ được định giá lên tới 500 triệu USD tại 12 thị trường ( Trung Quốc đại lục, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong (SAR), Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan) và định danh 10 công ty được đánh giá là những “người khổng lồ mới nổi” đứng đầu mỗi thị trường.
Các hệ sinh thái chuyên về công nghệ đã phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương là nơi sản sinh ra rất nhiều doanh nghiệp “tỷ đô” với tốc độ nhanh chóng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng nhanh hơn 20% so với tốc độ bình quân của toàn cầu. Năm nay, “những người khổng lồ mới nổi” – các doanh nghiệp khởi nghiệp có sức sáng tạo, tăng trưởng nhanh, có tầm ảnh hưởng và tham vọng trở thành kỳ lân – tạo nên một chỉ số quan trọng trong quỹ đạo tăng trưởng của châu Á – Thái Bình Dương.
Theo báo cáo, sự nổi lên của nhóm dịch vụ dọc mới đang thu hút lượng đầu tư cao kỷ lục chưa từng thấy và kéo theo đó là hàng loạt công ty khởi nghiệp có cả quy mô lẫn giá trị lớn hơn xuất hiện với tốc độ rất nhanh chóng trong khu vực.
Ngoài những ngành truyền thống gắn liền với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế mới như công nghệ tài chính (FinTech) hay phần mềm dịch vụ (software-as-a-service), báo cáo này còn đi sâu vào khoảng 120 lĩnh vực liên quan đến công nghệ trong số các doanh nghiệp này, trong đó bao gồm các lĩnh vực dọc chủ đạo như chuỗi khối, thành phố thông minh, bền vững và ESG.
Các nhánh nhỏ phổ biến nhất là nhóm liên quan đến chuỗi khối như tài sản mã hóa NFT (non-fungible token) và tài chính phi tập trung, chiếm hơn 25% (1.780 trong số 6.472) người khổng lồ mới nổi liên quan đến những dịch vụ ngành dọc này (Số liệu 3). Bất động sản chuỗi khối và các tổ chức tự trị phi tập trung (decentralised autonomous organisations – DAO) cũng thuộc nhóm 20 ngành phổ biến nhất, cho thấy khu vực đang tập trung vào tài sản số, vũ trụ ảo và Web 3.0.
Thêm nữa, 6 trong số 12 thị trường trong báo cáo này có nhóm doanh nghiệp được đánh giá là “người khổng lồ mới nổi” top đầu được định giá trung bình 300 triệu USD hoặc cao hơn.
Các dịch vụ ngành dọc về bền vững và ESG cũng gây chú ý với ba lĩnh vực (hạ tầng sạc phương tiện chạy điện, bao bì bền vững, thời trang bền vững) lọt top 20 lĩnh vực phổ biến nhất, giúp các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến bền vững trở thành một trọng tâm quan trọng chiếm khoảng 15% số doanh nghiệp “khổng lồ mới nổi” trong nghiên cứu. Danh sách 20 lĩnh vực phổ biến nhất cũng bao gồm bốn lĩnh vực liên quan đến y tế là công nghệ hỗ trợ, phát hiện mới về thuốc nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thần kinh và công nghệ sức khỏe tâm thần.
Honson To, Chủ tịch KPMG châu Á – Thái Bình Dương và KPMG Trung Quốc nhận định: “Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tăng trưởng nhanh trở thành làn sóng doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và nhiều mặt khác. Trong tương lai, áp lực hướng tới cân bằng các-bon trên toàn cầu sẽ là động lực chính thúc đẩy sáng tạo trong quá trình những ngành truyền thống “xanh” hóa và những người khổng lồ mới nổi sẽ đóng một vai trò chính yếu trong việc phát triển công nghệ có thể giảm phát thải các-bon và cổ vũ tinh thần trách nhiệm với môi trường. Châu Á sẽ là một sân chơi quan trọng trong cuộc chiến vì một tương lai bền vững.”.
Surendra Rosha, Đồng Tổng Giám đốc HSBC châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy hệ sinh thái khởi nghiệp có thể bổ trợ cho ngành dịch vụ tài chính lâu đời: họ chính là khởi nguồn của sáng tạo, họ thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế quốc gia và khu vực bằng chính sự năng động của mình”.
Darren Yong, Giám đốc Khối Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông, KPMG châu Á – Thái Bình Dương nói: “Những người khổng lồ mới nổi của châu Á – Thái Bình Dương đều dám nghĩ dám làm, có tham vọng và phát huy tư duy hiện đại trong dịch vụ và sản phẩm họ cung cấp, trong lựa chọn đối tác để hợp tác và thị trường họ nhắm tới và trong cách họ xây dựng mô hình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp cũng như đưa ra tuyên bố về sứ mệnh. Có lẽ quan trọng nhất chính là họ đang cố gắng hình dung bối cảnh công nghệ trong 10 hay 20 hay 20 nữa sẽ thay đổi ra sao bên cạnh nỗ lực tìm kiếm những gì mang lại lợi ích cho khách hàng trong thời điểm hiện tại”.
Linh Nga