Sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình ở Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Ấn Độ đặt ra dấu hỏi về mối quan hệ Trung- Ấn

Hội nghị thượng đỉnh G20 luôn được coi là một sự kiện quan trọng quy tụ lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thế nhưng, sự kiện năm 2023 dưới vai trò Chủ tịch của Ấn Độ sẽ thiếu vắng một gương mặt quan trọng – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Có một số lý do đã được các nhà phân tích trên thế giới đưa ra.

Tranh chấp biên giới

Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối trả lời lý do đằng sau quyết định này, các nhà quan sát chỉ ra các tranh chấp biên giới mới nóng lên gần đây là một nguyên do.

Ngày 31/8, Bắc Kinh bất ngờ công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn 2023”, trong đó tiếp tục các yêu sách lãnh thổ phi lý với một loạt vùng đất và đảo thuộc các nước láng giềng như Nga, Ấn Độ hay trên Biển Đông.

Ấn Độ đã đáp trả yêu sách đối với 2 khu vực Arunachal Pradesh và Aksai Chin bằng những phản đối mạnh mẽ. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, gọi bản đồ của Trung Quốc là “vô lý” và chỉ trích Bắc Kinh về “thói quen cũ” là tung ra các bản đồ đổi tên các vùng lãnh thổ tranh chấp nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiềm ẩn căng thẳng do vấn đề biên giới tranh chấp. Ba năm trước, xung đột đã dẫn đến một cuộc đụng độ ở khu vực Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Dù một số vòng đàm phán quân sự và ngoại giao đã mang lại sự yên tĩnh ở khu vực biên giới dài gần 3.000 km, nhưng cuộc đối đầu vẫn tiếp diễn ở một số khu vực. Quân đội cả hai nước đã tích lũy hàng chục nghìn binh sĩ, vũ khí và thiết bị ở vùng núi.

Vị thế của Ấn Độ ngày càng gia tăng có thể khiến Trung Quốc lo ngại

Thủ tướng Ấn Độ Modi và ông Tập đã nói chuyện bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg mới đây nhưng dường như hai bên đã không có tiếng nói chung.

Cạnh tranh thương mại và chính trị

Những xung đột cũng gia tăng về thương mại và mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng giữa Ấn Độ với Mỹ – đối thủ chính của Trung Quốc – cũng có thể là một nguyên do.

Ông Baijayant Jay Panda, một thành viên cấp cao của Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi cho biết quyết định này cho thấy Bắc Kinh không hài lòng với sự trỗi dậy kinh tế của Ấn Độ .

“Đối với Trung Quốc, họ thường tỏ ra nóng nảy ở mức độ nào đó. Trung Quốc có thể khó chấp nhận rằng sau 4 thập kỷ tăng trưởng nhanh nhất, Trung Quốc đã bị Ấn Độ soán ngôi”, ông Baijayant Jay Panda nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng nguồn cơn là sự tham gia của Ấn Độ với nhóm Bộ Tứ Kim Cương do Mỹ dẫn đầu, trong khi Ấn Độ vẫn là trụ cột của khối BRICS đang ngày càng lớn mạnh.

Ông Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết các “vấn đề chính” giữa Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ là cuộc tranh chấp ở dãy Himalaya mà còn là sự tham gia của Ấn Độ vào nhóm 4 quốc gia thân phương Tây – một sáng kiến mà Bắc Kinh luôn coi là một động thái của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc.

Tuyên bố của BRICS

Sự vắng mặt của ông Tập ở Hội nghị G20 cũng có thể là một phần trong nỗ lực nhằm nâng cao vị thế của nhóm BRICS do Trung Quốc dẫn đầu và hạ thấp các nhóm đa phương do Mỹ thống trị.

Ông Wen- Ti Sung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia, nói rằng việc ông Tập bỏ qua G20 ngay sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS “có thể là một minh họa trực quan cho quan điểm của ông Tập rằng ‘Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang sụp đổ’”. Đồng thời, nó cũng thể hiện tình đoàn kết với Tổng thống Nga V.Putin, người không được mời tham dự.

Ngoài ra, việc không đến G20 cũng có thể là cách ông Tập tránh gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong lúc cao trào của “chiến dịch tuyên truyền phản đối việc Nhật Bản xả nước thải Fukushima”.

Ấn Độ vừa là thành viên QUAD vừa là trụ cột của BRICS

Thách thức trong nước

Ngoài ra, những bất ổn về kinh tế và xã hội trong nước cũng được đưa ra để lý giải sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Hội nghị G20.

Ông Alfred Wu, Phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết ông Tập có thể sẽ miễn cưỡng ra nước ngoài vì đang tập trung giải quyết các vấn đề trong nước.

“Ông Tập Cận Bình đang thiết lập chương trình nghị sự của riêng mình, trong đó mối quan tâm hàng đầu của ông ấy là an ninh quốc gia và thay vào đó, ông ấy phải ở lại Trung Quốc và mời các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm mình”, ông Wu nói.

Sự kiện G20 diễn ra vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm qua do cuộc khủng hoảng bất động sản hay tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ quá cao.

Với Tổng thống Mỹ Joe Biden, kỳ vọng gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20 lần này đã không thành hiện thực, khiến các cơ hội hợp tác và tháo gỡ vướng mắc giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu tiếp tục bị đình trệ.

Cơ hội hai lãnh đạo hàng đầu thế giới gặp nhau có thể là tháng 11/2023 với sự kiện Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco (Mỹ). Dù vậy, những tín hiệu ngoại giao căng thẳng này cho thấy Trung Quốc không dễ thỏa hiệp với phương Tây, bất kể Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong và ngoài nước.

Trường Đặng