Các ngân hàng không ngừng sáng tạo

Trong thời gian vừa qua, hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp đáp ứng mô hình ngân hàng số, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

ttt

Trong năm 2021, gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số khẳng định rằng họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo khảo sát của công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm quý 4/2018 lần lượt là 22% và 28%, ba năm sau tại quý 3/2021, tỷ lệ này đã tăng lần lượt là 68% và 75%. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác, thúc đẩy sự dịch chuyển nhanh hơn hoạt động này. Cụ thể, Nielsen cho biết, trong năm 2021, gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số khẳng định rằng, họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát.

Liên quan đến kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng trải nghiệm khách hàng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm đó là: Chuyển đổi nhận thức chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; Phát triển các mô hình ngân hàng số ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 để cung ứng dịch vụ, sản phẩm an toàn, tiện lợi với chi phí thấp; Đặc biệt đảm bảo an toàn an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Hiện nay, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và là xu thế tất yếu trên thế giới được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Dưới tác động của đại dịch, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và doanh nghiệp. Với vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số, ngành tài chính đang tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số trong đó đặt ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu mở tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV chia sẻ: “Đối với những khách hàng ít có tiếp cận với ngân hàng, chúng tôi có hai cách, một là gần như miễn phí hoàn toàn dịch vụ cho những đối tượng này và hai là phối hợp với một số công ty viễn thông, Fintech, những nơi mà ngân hàng chưa tiếp cận được, thì các công ty đó sẽ làm đại lý cho ngân hàng BIDV, để giới thiệu các dịch vụ và giúp khách hàng tiếp cận được các kênh ngân hàng số.

Chúng tôi cũng đưa ra hai kênh để xác thực khách hàng gồm qua Smartbanking, khách hàng có thể dùng khuôn mặt, vân tay để xác thực nhân thân, danh tính không cần gặp. Ngoài ra, còn có gói cơ bản trên Mobilebanking để khách hàng có thể chụp khuôn mặt, chụp chứng minh thư xác thực, nhưng xác thực đó chỉ được sử dụng ở một nhóm tài khoản có sự giới hạn về giao dịch. Nếu khách hàng muốn sử dụng tài khoản đầy đủ hơn, với các tiện ích và hạn mức giao dịch tốt hơn, thì khách hàng có thể ra chi nhánh để ký một bản nâng cấp dịch vụ”.

Còn theo ông Nguyễn Viết Châu, Khối ngân hàng số, ngân hàng MB cho biết, MB đặt mục tiêu phải cá nhân hóa các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Điều đó không có nghĩa là MB chia theo phân khúc khách hàng VIP thì được tặng Voucher khuyến mại, phòng chờ sân bay, hay đến chi nhánh thì được ưu tiên, mà mục tiêu cá nhân hoá của MB nghĩa là mỗi tài khoản khách hàng giống như một tài khoản trên Facebook, trên các mạng xã hội, chỉ cần lướt qua cũng có thể biết được đó là tài khoản cá nhân với nhiều tính năng dành cho cá nhân.

Tăng tốc đuổi kịp thế giới

Có thể thấy, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội liên quan hằng ngày đến người dân, do đó, để thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số ngành ngân hàng, bên cạnh mục tiêu xây dựng đô thị thông minh và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nhiều vấn đề được đặt ra trong đó có hoàn thiện thể chế chính sách cho các ngân hàng, cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh hợp tác, phát triển giữa các ngân hàng với các công ty Fintech, Bich Tech, đặt ra khuôn khổ cho Sandbox hay luật giao dịch điện tử.

tt-so

Số người dùng thanh toán điện tử đã tăng lên rất nhanh, riêng về doanh số thanh toán điện tử của Việt Nam hiện nay được dự báo tăng ở mức 20-30% một năm.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, thì thể chế chính sách phải tiếp tục được hoàn thiện, không chỉ tập trung trong lĩnh vực thanh toán như thời gian vừa qua, mà còn để tạo ra môi trường vừa cạnh tranh, vừa hợp tác cùng phát triển.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc đầu tiên phải làm là xây dựng khung pháp lý cho chuẩn mực. Rất nhiều người lo lắng khung pháp lý của Việt Nam còn quá chậm, nhưng chúng ta cần có một khoảng thời gian vừa đủ để xây dựng hạ tầng cơ sở pháp lý một cách chặt chẽ, không nên vội vàng bước vào những phạm vi chưa hoàn toàn kiểm soát được.

Thứ hai, hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin cần được chú trọng, như đầu tư về phần mềm, phần cứng, đầu tư về con người. Đặc biệt, nếu muốn biến một nền kinh tế trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại hóa, sử dụng tất cả công nghệ thông tin hiện đại, thì không những bộ phận quản lý phải có kỹ năng, mà ngay cả người dân cũng phải nâng cao trình độ lên.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, số người dùng thanh toán điện tử đã tăng lên rất nhanh, riêng về doanh số thanh toán điện tử của Việt Nam hiện nay được dự báo tăng ở mức 20-30% một năm. Điều đó là rất tốt và đang đi theo xu thế của thế giới.

“Tuy nhiên, chúng ta đã hài lòng chưa? Tôi cho rằng là chưa, bởi vì tỷ lệ thanh toán dùng tiền mặt cho nền kinh tế Việt Nam so với khu vực vẫn còn lớn. Thống kê gần đây nhất của báo cáo thanh toán toàn cầu từ một tổ chức bên Mỹ cho thấy, tiền mặt trong lưu thông so với quy mô nền kinh tế của Việt Nam cuối năm 2016 vẫn ở mức 19%, tương đương với Nhật Bản, nhưng cao gần gấp đôi so với khu vực ASEAN và Trung Quốc. Như vậy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Tôi đã kỳ vọng đến cuối 2018, con số đó giảm đi, nhưng ở mức 15 – 16% GDP vẫn là mức rất cao so với khu vực. Việt Nam tiến một thì thế giới và khu vực cũng tiến, ít nhất là tương đương với chúng ta, cho nên cần phải tăng tốc chạy nhanh hơn, thì mới theo kịp xu thế và yêu cầu của thời đại hiện nay”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Diễm Ngọc