Trong 3 năm trở lại đây, giá trị và thứ hạng thương hiệu Việt liên tục được cải thiện, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance cho thấy: Năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, giá trị đạt 388 tỷ USD. Đặc biệt, thương hiệu quốc gia Việt Nam duy trì thứ hạng 33 trong số top 100 thương hiệu mạnh thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Điều này, khẳng định thương hiệu Việt đã và đang mang đến một hình ảnh Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng trong mắt bạn bè thế giới.
Đẩy mạnh độ “phủ sóng” của thương hiệu Việt
Khi nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang dần thích ứng với tình hình mới hậu COVID-19, thì nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị doanh nghiệp. Nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.
Đầu tiên, phải kể tới là thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng doanh nghiệp nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa nhờ am hiểu khách hàng, xây dựng thương hiệu, đổi mới, sáng tạo, phát triển trên nền tảng đa kênh nổi bật có thể kể đến các thương hiệu như: Vingroup, Masan…
Những nhà bán lẻ nội địa này đã không ngừng gia tăng phát triển thêm nhiều điểm bán mới lấp vào khoảng trống của các đại siêu thị để lại, đồng thời tích cực thay đổi mô hình để ngày càng hoàn thiện phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường trong nước trong trạng thái bình thường mới.
Đơn cử: Tập đoàn Masan thực hiện chiến lược chuyển đổi WinCommerce (WCM) thành nền tảng bán lẻ đa tiện ích, tập trung vào khai trương các cửa hàng mini-mall tích hợp WinMart+, Techcombank, Kiosk Phúc Long, dược phẩm và mạng di động Reddi. Đây chính là chương đầu tiên trong chiến lược thiết lập nền tảng “point-of-life” là “Mô hình một điểm đến đa tiện ích”, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trên một nền tảng xuyên suốt từ trực tiếp đến trực tuyến.
Còn WinMart/WinMart+ (trước đây là VinMart/VinMart+) tập trung tái cấu trúc hệ thống, không ngừng thử nghiệm các mô hình mới, hướng tới cung cấp các sản phẩm độc đáo, mới lạ, tiện dụng và những trải nghiệm tiêu dùng phù hợp với sở thích cá nhân. Khách hàng tới các điểm WinMart+ theo mô hình mini-mall đa trải nghiệm giờ đây không còn chỉ là các bà nội trợ, khách hàng mua sắm tiêu dùng thiết yếu mà còn có cả giới trẻ ưa thích thức uống thời thượng trà, café Phúc Long.
Theo đó, Masan cũng dự kiến chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall với việc tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm (WinMart+), trà và café (kiosk Phúc Long), dược phẩm, dịch vụ tài chính (Techcombank) và viễn thông (Reddi) trong năm 2022. Ngoài ra, Tập đoàn Masan cũng đang tập trung thay đổi các mặt hàng. Thay vì chủ yếu bán đồ khô, thì đến nay, Masan đã tối ưu hóa danh mục sản phẩm của chuỗi cửa hàng, tăng tỉ lệ hàng tươi sống.
Chiến lược này giúp khách hàng chỉ cần đến WinMart+ là có thể mua đủ hàng hóa thiết yếu cho gia đình. Phát triển mạnh mẽ cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, Tập đoàn Masan hiện là doanh nghiệp bán lẻ có mạng lưới lớn nhất với gần 2.800 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+. Cuối năm 2021, Masan chính thức thí điểm mô hình nhượng quyền. Nhờ mô hình nhượng quyền, Masan hướng tới mục tiêu nắm trong tay 10.000 điểm sở hữu và 20.000 cửa hàng nhượng quyền vào năm 2025.
Hay cái “bắt tay” đình đám của Tập đoàn BRG với các tên tuổi lớn trên thế giới giúp nhanh chóng đưa những chuẩn mực của thế giới tới người tiêu dùng ngay tại Việt Nam. Và cũng từ đây, đất nước con người Việt Nam được truyền thông ra thế giới một cách thuyết phục nhất.
Điển hình như trong lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng, những cái tên như: Hilton, Four Seasons, InterContinental… là những bảo chứng về đẳng cấp, chất lượng dịch vụ và sự khẳng định cho những địa danh trở thành những điểm đến ưa thích cho dòng khách du lịch cao cấp, vốn là khách hàng trung thành của những thương hiệu đẳng cấp này.
Sự kết hợp khéo léo giữa du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp với những vòng chơi golf tại những sân golf do những huyền thoại golf số 1 thế giới thiết kế, là một chiến lược khôn ngoan không chỉ giúp kéo dài thời gian lưu trú mà còn tạo nên dấu ấn khó quên để thu hút khách trở lại. Việc kết hợp những tên tuổi huyền thoại như “Gấu Vàng” Jack Nicklaus hay “Cá Mập Trắng” Greg Norman đã đưa những sân golf của Việt Nam có tên trong danh sách tốp những sân golf phải tới trên thế giới, góp phần đưa dải đất chữ S liên tục trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới nhiều năm qua.
Nhấn mạnh về vấn đề này, PGS, TS Ngô Trí Long chia sẻ: “Đứng trên vai người khổng lồ, mượn tiếng và kết hợp với một số tổ chức quốc tế, đó chỉ là hình thức bên ngoài mà mọi người nhìn thấy. Thực chất nội dung bên trong doanh nghiệp phải đạt được rất nhiều tiêu chuẩn của thương hiệu đó. Vì vậy, với những doanh nghiệp thành công với hướng đi này, đó là mồ hôi nước mắt của họ trong một hành trình dài”
Mang thương hiệu Việt ra toàn cầu
Mang thương hiệu Việt ra toàn cầu là chuyện không hề đơn giản, nhưng với sức mạnh của cộng đồng người Việt nhất là cộng đồng người Việt tại nước ngoài chính là cầu nối đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam ra toàn thế giới.
Một trong những thành tựu hết sức to lớn của Việt Nam trong những năm qua là kết quả của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, có sự đóng góp và vai trò quan trọng của cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt là cộng đồng doanh nhân người Việt đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá thương hiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Cộng đồng này còn hỗ trợ các cơ quan, DN trong nước tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước sở tại. Thậm chí, đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên các nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế giúp được biết đến rộng rãi hơn.
Đặc biệt, để phát triển thị trường trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách để có những sản phẩm phù hợp, có chất lượng tốt, duy trì chất lượng đồng đều. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn không ngừng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, từng bước đưa kèm vào thị trường song song với việc sản xuất, đóng gói, dán nhãn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, phân phối.
Chẳng hạn khi nói về thị trường Saudi Arabia, ông Trần Trọng Kim – Bí thư thứ nhất, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabiathị chia sẻ: Thị trường này yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó: Thịt, các sản phẩm từ thịt, thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh nhập khẩu, đồ uống, bánh kẹo, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu ăn, chất béo cần có chứng nhận Halal, hàng hóa khác cần có chứng nhận SASO (tương tự ISO); có hàng mẫu gửi cho đối tác với thông tin sản phẩm rõ ràng, có đầu mối liên hệ giao dịch được bằng tiếng Anh, có email cố định, kiên trì trong giao dịch với khách hàng khu vực, nóng vội sẽ mất đi cơ hội.
Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch thành lập văn phòng đại diện hoặc công ty liên doanh tại thị trường, điều này làm cho đối tác tích cực trong việc quảng bá, mở rộng thị trường sát với nhu cầu và thị hiếu của khách hơn.
Thời gian qua, Thương vụ đã xây dựng và phát huy có hiệu quả phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại Saudi Arabia với 140 doanh nghiệp có hàng mẫu trưng bày gồm các lĩnh vực nông sản (gạo, mỳ gạo, mỳ ăn liền, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, mật ong, thạch dừa, dầu dừa…), thực phẩm, cá hộp, nước sốt, đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng may mặc, đồ trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, vật tư y tế, than củi, trầm hương, du lịch,…Thương vụ cũng thực hiện quảng bá hàng mẫu của các doanh nghiệp tới 10 tỉnh, địa phương Saudi Arabia; tổ chức hằng năm, tuần quảng bá hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lulu.
Thương vụ cũng đã thành công trong việc đấu tranh, vận động bạn dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, hiện đã có 38 doanh nghiệp đánh bắt thủy sản được xuất khẩu sang thị trường Saudi Arabia, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng năm 2022 tăng 395% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. Đây là một bệ phóng mạnh mẽ cho sức cạnh tranh của Doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới. Đồng thời, với tiềm năng thị trường và những bước đi vững chắc của doanh nghiệp Việt và nguồn vốn FDI liên tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam, “bản đồ” thị phần bán lẻ Việt Nam hứa hẹn sẽ được vẽ lại và khẳng định vị thế làm chủ thị trường.
Thanh Huyền