Thống kê cho thấy chỉ 80 trên tổng số hàng nghìn công ty có liên kết với Trung Quốc đưa dây chuyền sản xuất về nước. Thay vào đó, họ tìm cách chuyển nhà máy tới Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Tờ Bloomberg nhận định, đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là lý do khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Đầu năm nay, chính phủ Hàn Quốc cũng mở rộng chương trình trợ cấp để các công ty dịch vụ và công nghệ thông tin đưa dây chuyền sản xuất về nước.
Tuy nhiên, thống kê của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cho thấy chỉ 80 trên tổng số hàng nghìn công ty có liên kết với Trung Quốc đưa dây chuyền sản xuất về nước. Thay vào đó, thấy doanh nghiệp tìm cách chuyển nhà máy tới Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Nhà nghiên cứu của Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Seould, Hàn Quốc, ông Bae Ho-young cho rằng các rào cản tại Hàn Quốc đang “quá cao”. Ông Bae Ho-young nhận xét đây là thị trường lao động cứng nhắc, chi phí lao động cao và các quy định về môi trường phức tạp.
Khảo sát của Bae hồi tháng 6/2020 cho thấy, cứ 10 công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc thì có đến 7 công ty không có ý định chuyển dây chuyền sản xuất về nước.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn đang thúc đẩy tăng lương tối thiểu, giảm giờ làm và tăng tuyển dụng. Tuy nhiên, chính sách này bị nhiều người chỉ trích vì khiến chi phí kinh doanh tăng lên.
Mức lương tối thiểu cao hơn, thời gian làm việc ngắn hơn và quy định tăng cường thuê lao động thường xuyên là những yếu tố làm tăng chi phí kinh doanh tại Hàn Quốc.
Lương tháng trung bình của công nhân nhà máy tại Hàn Quốc là 3.405 USD năm 2019, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Con số này cao gấp 13 lần số liệu của Việt Nam năm 2018 và gấp 4 lần Trung Quốc năm 2016.
Dịch bệnh đã khiến các tập đoàn đa quốc gia nhìn nhận lại việc xây dựng chuỗi cung ứng tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả của Việt Nam đã ghi điểm rất lớn trong mắt các tập đoàn đa quốc gia. Trên cơ sở này, họ nhìn nhận Việt Nam sẽ là nơi “thoát Trung”, là điểm đến đầu tư hấp dẫn và không dễ gặp rủi ro vì dịch bệnh.
Thời gian gần đây, hai “ông lớn” đến từ xứ sở Kim chi là Samsung, LG đều nhắc tới chuyện chuyển sản xuất, đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Trong khi Samsung có kế hoạch chuyển sản xuất PC từ Trung Quốc sang Việt Nam để giảm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh trong kinh doanh, thì LG đang cân nhắc phát triển một trung tâm R&D mới tại Việt Nam như một phần trong nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường.
Hyundai Motor cũng tăng cường sản xuất ô tô tại Việt Nam trong khi tạm dừng dây chuyền sản xuất ở Bắc Kinh. Các chuyên gia nêu rõ xu hướng này có thể kéo theo các công ty nhỏ khác.
Bên cạnh đó, một số công ty hàng đầu tích cực đầu tư vào ngành này là Hyosung, SK,…
Theo các chuyên gia, gần đây, các công ty đa quốc gia thực hiện đầu tư vào Việt Nam nhấn mạnh quan điểm rằng, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc.
Việc các công ty Hàn Quốc xây dựng các cơ sở R&D tại Việt Nam như Samsung và LG là những dấu hiệu tích cực cho thấy, Việt Nam có thể dần dần tiến lên chuỗi giá trị và thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Linh Nga