Chuyển tới nội dung

Hàng không Việt kêu cứu trước khoản nợ 36.000 tỷ đồng

Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của các hãng bay Việt đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Vietnam Airlines đã “gánh” 20.000 tỷ đồng nợ.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), từ đầu năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng).

Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.

Đợt bùng phát dịch lần 3 và thứ 4 vào dịp cao điểm Tết nguyên đán và hè năm 2021 đã khiến các hãng suy kiệt khi doanh thu giảm sâu. Riêng tháng 5 và 6, VABA cho biết doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc áp dụng giãn cách xã hội khiến nhu cầu đi lại tiếp tục giảm. Trong khi đó, chi phí phòng dịch của các hãng và doanh nghiệp dịch vụ hàng không tăng cao. Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng một ngày. Chưa kể, nhân sự của họ bị cắt giảm ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ thiếu nhân lực khi phục hồi.

may-16247955803501574716093

Hàng không Việt kêu cứu trước khoản nợ 36.000 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VABA – ông Bùi Doãn Nề cho biết, các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời nhưng còn thiếu và chậm triển khai.

Phóng viên đưa tin, để vượt khó, VABA kiến nghị Chính phủ sớm triển khai tiêm vaccine trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vaccine để hoạt động đi lại được dễ dàng, hỗ trợ hàng không có doanh thu.

Cùng với đó, Hiệp hội kiến nghị mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không như gói tín dụng Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%; cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn 5.000 – 6.000 tỷ đồng tương tự Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.

VABA cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển đồng thời cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Trước đó, trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy dự kiến số lỗ của quý I ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện, số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Cùng với Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet Air, trong năm 2020 cũng đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Bảo An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved