Gói cứu trợ trị giá 50 tỷ USD do Thượng viện Mỹ thông qua có thể sẽ giúp cho các hãng hàng không nước này tồn tại nhưng sẽ chẳng thể nào giải quyết được một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang xảy ra.
Mike Boyd, người đứng đầu công ty tư vấn hàng không Boyd Group International có trụ sở tại Mỹ cho rằng, ngành công nghiệp hàng không nước Mỹ hiện nay đang gặp phải một cơn khủng hoảng nghiêm trọng, doanh số sụt giảm, lợi nhuận “chạm đáy”, tương lai “ảm đạm” hay thậm chí nằm trên bờ vực phá sản khi đang phải lưu hành trên bầu trời với các máy bay trống rỗng.
Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải (Mỹ), chỉ tính riêng từ tháng Tư đến tháng Sáu năm ngoái, doanh thu của các hãng hàng không Hoa Kỳ đã đạt tổng cộng 64,4 tỷ đô la. Còn hiện tại, ngành hàng không nước này chỉ thu về được một phần rất “khiêm tốn” của dòng doanh thu đó.
Xem xét trên những số liệu mới nhất của Cơ quan An ninh Giao thông vận tải nước Mỹ cho thấy, lưu lượng hành khách thông qua các trạm kiểm soát chỉ ở mức 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Và doanh thu thậm chí còn “thảm hại” hơn nhiều bởi vì giá vé cũng đã chẳng bằng ngày trước.
Các hãng hàng không hiện đang cắt giảm lịch trình của họ cho tháng tư và tháng năm tới đây, từ 60% đến 80% vì lưu lượng hành khách giảm mạnh. Nhưng kể cả khi cắt giảm đến mức đó, các máy bay hoạt động cũng không có đủ hành khách để sinh lãi.
Việc cắt giảm, hủy bỏ các chuyến bay, cùng với đó là việc “đắp chiếu” máy bay và cho nhân viên nghỉ phép không lương, có thể sẽ cắt giảm được chi phí nhiên liệu, chi phí tiền lương, hai thứ chi phí rất lớn trong ngành hàng không nhưng lại chẳng phải là “liều thuốc” chữa dứt điểm căn bệnh trầm kha của ngành hàng không lúc này. Có lẽ, chỉ đến khi hành khách bắt đầu mua vé và sử dụng dịch vụ hàng không trở lại mà thôi.
Philip Baggaley, nhà phân tích tín dụng của ngành hàng không tại Standard and Poor cũng cho rằng: “giả định là cho đến cuối năm nay, mọi thứ không còn “ảm đạm” như quý hai hiện nay nhưng nó sẽ phục hồi rất chậm. Tôi nghĩ rằng việc phục hồi còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức xử lý và hành động của chính phủ Mỹ”.
Theo nhiều nguồn thông tin, gói cứu trợ của Thượng viện Hoa Kỳ , liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra, sẽ cung cấp cho các hãng hàng không vào khoảng 25 tỷ đô la tiền mặt dùng để trợ cấp trực tiếp. Số tiền này là một giao ước, “bắt buộc” các hãng hàng không phải đồng ý không được phép cắt giảm nhân sự hoặc ngừng cung cấp dịch vụ tại bất kỳ sân bay nào mà họ phục vụ cho đến ít nhất là cuối tháng 9 năm nay. Ngoài ra, 25 tỷ đô la khác là tiền cho vay.
Theo thống kê của ngành hàng không nước Mỹ, năm ngoái, tiền lương và các khoản khác mà các hãng hàng không Mỹ phải trả lên đến 35,2 tỷ USD trong khoảng thời gian sáu tháng từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái. Ngành công nghiệp này của Mỹ có khoảng 750.000 nhân viên vào đầu năm nay.
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của ngành hàng không nước Mỹ là liệu rằng mọi sự có quay trở về mức trước đó sau cơn “bạo bệnh” này hay không? Có rất nhiều lý do để tin rằng mọi việc không thể quay trở lại trong một sớm một chiều.
Điều đó chắc chắn là không ai biết được! Hiện tại, người dân Mỹ và các nước trên toàn cầu vẫn sẽ phải ở tại nhà và tránh những chuyến đi du lịch không cần thiết. Bởi rất có thể, việc mở cửa đi lại quá sớm sẽ châm ngòi cho đợt dịch bệnh thứ hai hoặc thứ ba ngay sau đó.
Cũng không ai rõ là dịch bệnh lần này sẽ gây ra bao nhiêu thiệt hại kinh tế cho túi tiền của người tiêu dùng và liệu họ có sẵn sàng đi du lịch trong thời gian tới? Và cũng bởi các hoạt động kinh doanh bị hạn chế và khó khăn nên rất có thể các doanh nghiệp sẽ ít chi tiêu cho du lịch.
Vào thứ Sáu vừa qua, các CEO hàng đầu tại United Airlines, hãng hàng không hàng đầu nước Mỹ đã đưa ra những cảnh báo với các nhân viên rằng, sẽ không có việc cắt giảm nhân sự trong khoảng thời gian sáu tháng tới khi mà còn hiệu lực của gói cứu trợ nhưng trong tương lai chẳng ai biết được điều gì sẽ xảy ra.
CEO của Delta, Ed Bastian cũng nói với các nhân viên rằng gói cứu trợ không phải là “thần dược” cho ngành hàng không và lên tiếng kêu gọi nhân viên tiếp tục đăng ký “nghỉ phép không lương” một cách tự nguyện.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, du lịch quốc tế có thể sẽ bị ảnh hưởng lâu hơn so với du lịch hàng không nội địa. Mà trong khi đó, các chuyến bay quốc tế lại mang về nhiều lợi nhuận hơn cho các hãng hàng không Mỹ. Điều đó đồng nghĩa là ngành hàng không Mỹ sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi trở lại phong độ khi xưa.
Ít nhất phải mất từ sáu đến tám tháng sau đại dịch này để cho mọi việc được trở lại một cách bình thường và thậm chí sau đó, có thể sẽ phải chứng kiến một sự sụt giảm đáng kể trong ngành hàng không.
Theo các chuyên gia kinh tế, gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ có thể sẽ chỉ là “ngụm nước” trong cơn khát của kẻ lữ hành mà không phải là hồ nước nơi ốc đảo trên sa mạc. Chỉ có thể khi nào hành khách quay trở lại trên các chuyến bay mới có thể trị dứt điểm cơn “đau đầu” của ngành hàng không nước Mỹ cũng như toàn cầu.